Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS)
Ngày 25/10/2019 05:04 | Lượt xem: 2248

TÓM TẮT

Hội chứng chồng lấp hen-COPD (ACOS) được đặc trưng bởi giới hạn luồng khí không hồi phục; bệnh nhân vừa có vài triệu chứng của bệnh hen vừa có vài triệu chứng của bệnh COPD. ACOS có thể là một kiểu hình đặc biệt của một nhóm bệnh tắc nghẽn đường thở mạn tính, trong đó hen và COPD là hai thái cực của nhóm bệnh này.

Lưu hành độ của ACOS được báo cáo khác nhau do các tác giả áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau để chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân bị ACOS sử dụng nhiều nguồn lực y tế. Họ có nhiều biến cố bất lợi hơn so với bệnh nhân bị hen hoặc COPD đơn thuần. Chẩn đoán ACOS hiện là một thách thức cho các bác sĩ lâm sàng bởi vì hiện không có các dấu ấn sinh học cụ thể để phân biệt ACOS với hen hoặc COPD. Cách tiếp cận chẩn đoán ACOS tùy thuộc vào tiền căn bệnh lý của bệnh nhân: họ đã được chẩn đoán hen hoặc COPD trước đó hoặc chưa được chẩn đoán bệnh tắc nghẽn đường thở mạn tính. Cá thể hóa điều trị nên được áp dụng cho ACOS để đạt hiệu quả điều trị tối ưu với tác dụng phụ tối thiểu. Trong bài báo này, chúng tôi hệ thống lại các tiêu chuẩn chẩn đoán ACOS được sử dụng trong các nghiên cứu trước đây, gợi ý cách tiếp cận thực tế cho việc chẩn đoán và điều trị ACOS và nêu lên các câu hỏi nghiên cứu liên quan đến ACOS.

Từ khóa: ACOS, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tắc nghẽn đường thở, kiểu hình

Từ viết tắt: COPD, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; ACOS, hội chứng chồng lấp hen-COPD; DLCO, khả năng khuếch tán khí CO của phổi; FEV1, thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên; FVC, dung tích sống gắng sức; GINA, Chiến lược toàn cầu về hen; GOLD, Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; HRCT, CT độ phân giải cao; ICS, corticosteroid dạnh hít; LABA, thuốc kích thích beta-2 tác dụng kéo dài; LAMA, thuốc đối kháng thụ thể muscarinic tác dụng kéo dài; LTRA, thuốc đối kháng thụ thể leukotriene; PEF: lưu lượng thở ra đỉnh; SABA, thuốc kích thích beta-2 tác dụng ngắn; SAMA, thuốc đối kháng thụ thể muscarinic tác dụng ngắn.

GIỚI THIỆU

Hen và COPD là 2 bệnh phổi mạn tính thường gặp nhất tại các phòng khám hô hấp.1, 2 Chúng có đặc điểm chung là tình trạng viêm mạn tính và tái cấu trúc đường dẫn khí, nhưng chúng khác nhau trong bản chất của hiện tượng viêm, cấu trúc phổi có liên quan, và nơi chủ yếu xảy ra các biến đổi bệnh học.3 Các khác biệt này được thể hiện rõ ràng khi chúng ta so sánh một người trẻ không hút thuốc lá mà bị hen với một người lớn tuổi có hút thuốc là mà bị COPD. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta rất khó mà chẩn đoán phân biệt được hen với COPD, đặc biệt ở người lớn tuổi đã hoặc đang hút thuốc lá.4 Một đề án phối hợp giữa Chiến lược toàn cầu về hen (GINA) và Chiến lược toàn cầu về COPD (GOLD) đã mô tả Hội chứng chồng lấp hen-COPD (ACOS) như sau: “ACOS được đặc trưng bởi giới hạn luồng khí không hồi phục; bệnh nhân vừa có vài triệu chứng của bệnh hen vừa có vài triệu chứng của bệnh COPD. Do đó, ACOS được nhận biết bằng các triệu chứng vừa giống bệnh hen vừa giống bệnh COPD”.4 Mô tả này nghe có vẻ trực quan nhưng rất khó áp dụng vào thực hành lâm sàng hàng ngày.

Vì ACOS có các đặc điểm chồng lấp với hen và COPD,5 ACOS có thể là một kiểu hình đặc biệt của một nhóm bệnh tắc nghẽn đường thở mạn tính, trong đó hen và COPD là hai thái cực của nhóm bệnh này.6, 7 Các yếu tố nguy cơ do di truyền, cơ chế bệnh sinh, biến đổi bệnh học, đặc điểm lâm sàng, đáp ứng điều trị và tiên lượng của ACOS vẫn chưa rõ. Trong bài báo này, chúng tôi hệ thống lại các tiêu chuẩn chẩn đoán ACOS được sử dụng trong các nghiên cứu trước đây, gợi ý cách tiếp cận thực tế cho việc chẩn đoán và điều trị ACOS và nêu lên các câu hỏi nghiên cứu liên quan đến ACOS.

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN VÀ LƯU HÀNH ĐỘ CỦA ACOS

ACOS vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng8, 9 và được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm hội chứng chồng lấp hen và COPD,10 kiểu hình hỗn hợp hen-COPD,11 hen kết hợp với COPD,12 đồng mắc hen và COPD,13 hoặc COPD có triệu chứng hen.14 Tuy nhiên, ACOS là tên gọi thường được sử dụng nhất.

Khi tổng kết các nghiên cứu trước đây, chúng tôi thấy lưu hành độ của ACOS được báo cáo rất khác nhau bởi vì, tùy thuộc vào thiết kế và dân số nghiên cứu, các tác giả đã sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau để chẩn đoán ACOS (Bảng 1).10-13, 15-24 Trong số các bệnh nhân đã được chẩn đoán hen trước đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ACOS khi có biểu hiện viêm phế quản mạn tính (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong ít nhất 2 năm) và/hoặc giảm khả năng khuếch tán khí CO của phổi (DLCO), lưu hành độ của ACOS là 29%.23 Trong số các bệnh nhân được chẩn đoán COPD trước đây, bệnh nhân được chẩn đoán ACOS nếu có tiền căn đã từng được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh hen trước 40 tuổi19, lưu hành độ ACOS là 13%; lưu hành độ ACOS tăng lên 55% nếu bệnh nhân có bất kỳ tiêu chuẩn nào của bệnh hen.21 Tùy thuộc vào tiền căn đã từng tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc khói chất đốt sinh khối, lưu hành độ của ACOS dao động từ 5% đến 21% khi bệnh nhân thỏa ít nhất 2 tiêu chuẩn chính hoặc một tiêu chuẩn chính và 2 tiêu chuẩn phụ phù hợp hen như được trình bày trong Bảng 1.18 Trong dân số chung, lưu hành độ của ACOS là 1.8% trong nghiên cứu PLATINO tại Châu Mỹ La tinh khi ACOS được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và hô hấp ký.22 Tại Hoa Kỳ, lưu hành độ của ACOS là 2.7% khi ACOS được chẩn đoán dựa vào tiền căn đã từng được bác sĩ chẩn đoán từng mắc hen và mắc COPD.12 

Bảng 1. Lưu hành độ của ACOS từ các dân số nghiên cứu khác nhau với các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau

 

COPD, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; ACOS, hội chứng chồng lấp hen-COPD; DLCO, khả năng khuếch tán khí CO của phổi; FENO, nồng độ NO trong khí thở ra; FVC, dung tích sống gắng sức; FEV1, thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên; PEF, lưu lượng thở ra đỉnh; post-BD, sau giãn phế quản.

GÁNH NẶNG BỆNH TẬT CỦA ACOS

Gánh nặng kinh tế

Bệnh nhân ACOS sử dụng một tỉ lệ lớn nguồng lực y tế có sẵn. Họ bị nhập viện thường xuyên hơn bệnh nhân hen hoặc COPD đơn thuần,15 từ đó dẫn đến chi phí y tế cao hơn do chi phí nhập viện chiếm phần lớn nhất trong tổng chi phí y tế ở bệnh nhân COPD.25 Một nghiên cứu hồi cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân ACOS chịu chi phí y tế cao hơn vì họ sử dụng nhiều dịch vụ chăm sóc y tế hơn bệnh nhân COPD đơn thuần.26 Một nghiên cứu gần đây, sử dụng dữ liệu năm 2009 của Cơ Quan Bảo Hiểm Quốc Gia Hàn Quốc, cho thấy rằng tỉ lệ khám cấp cứu hoặc nhập viện hoặc nhập khoa hồi sức cao hơn ở bệnh nhân ACOS so với bệnh nhân COPD đơn thuần.27 Trong số những người sử dụng bảo hiểm y tế Medicaid của Hoa Kỳ, bệnh nhân ACOS sử dụng nhiều hơn ở bất kỳ dịch vụ y tế nào (khám phòng mạch, dịch vụ nội hoặc ngoại trú) so với bệnh nhân hen hoặc COPD đơn thuần. Trong nghiên cứu này, bệnh nhân được phân loại ACOS nếu họ đã từng ít nhất một lần nhận thuốc điều trị COPD và ít nhất một lần nhận thuốc điều trị hen,28 chi phí y tế hàng năm trung bình ở bệnh nhân ACOS ($14,914) cao hơn so với bệnh nhân hen ($2,307) hoặc COPD ($4,879).28

Gánh nặng bệnh tật

Vì ACOS thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh nhân ACOS thường có nhiều vấn đề làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.29 Bệnh nhân ACOS thường khó thở nhiều hơn, khò khè nhiều hơn, có nhiều đợt kịch phát hơn, có chất lượng sống liên quan đến hô hấp thấp hơn và có mức độ hoạt động thể lực thấp hơn bệnh nhân COPD đơn thuần.16, 30, 31 Một nghiên cứu đa trung tâm cho thấy rằng bệnh nhân COPD có cơ địa dị ứng, một đặc điểm của ACOS, hay bị ho mạn tính và khạc đàm hơn bệnh nhân COPD không có cơ địa dị ứng.32 Một nghiên cứu quan sát khác cho thấy rằng bệnh nhân ACOS có mức độ khó thở mMRC (modified Medical Research Council) (1.26 ± 0.98 so với 0.99 ± 0.88, P = 0.01) cao hơn và tỉ lệ có ít nhất một đợt kịch phát nặng trong năm qua (42% so với 18%, P < 0.01) cao hơn bệnh nhân hen đơn thuần.23

Tỷ lệ tử vong

Kết quả các nghiên cứu liên quan đến tỉ lệ tử vong do ACOS thì không thống nhất. Trong một nghiên cứu theo dõi dọc 4 năm, tỉ lệ tử vong không khác nhau giữa bệnh nhân ACOS, hen và COPD (P = 0.320).17 Tuy nhiên, nghiên cứu này có nhược điểm là cở mẫu nhỏ và chỉ được theo dõi trong thời gian tương đối ngắn. Trong một nghiên cứu theo dõi dọc khác qua 18 năm, bệnh nhân ACOS có nguy cơ tử vong cao nhất với tỉ số nguy cơ (hazard ratio-HR) là 1,83 (KTC 95%: 1,34—2,49), tiếp đến là COPD đơn thuần (HR 1,44, KTC 95%: 1,28—1,62) và cuối cùng là hen đơn thuần (HR 1,16, KTC 95%: 0,94—1,42) khi so với bệnh nhân không mắc bệnh tắc nghẽn đường thở mạn tính. Mức độ khác biệt này giảm xuống sau khi hiệu chỉnh cho chức năng phổi ban đầu, nhưng bệnh nhân ACOS vẫn có nguy cơ tử vong cao nhất (HR 1,45, KTC 95%: 1,06—1,98), tiếp đến là COPD đơn thuần (HR 1,28, KTC 95%: 1,13—1,45) và cuối cùng là hen đơn thuần (HR 1,04, KTC 95%: 0,85—1.27).12

SINH BỆNH HỌC ACOS

Có sự chồng lấp về di truyền, mô bệnh học và rối loạn chức năng giữa hen và COPD.3, 33 ACOS dường như là trường hợp đặc biệt bắt nguồn từ sự tương tác của những rối loạn về di truyền, mô bệnh học và chức năng trong hen hoặc COPD.

Christenson và cộng sự, bằng cách dùng các bộ dữ liệu hen và COPD, cho thấy rằng dâu ấn các gene liên quan đến hen tăng lên rõ rệt ở bệnh nhân COPD không có tiền căn hen nhưng có các triệu chứng giống hen.33

Về mô bệnh học, những biến đổi cấu trúc trong đường dẫn khí nhỏ góp phần gây ra kiểu hình chồng lấp giữa hen và COPD.34 Hen và COPD có các biểu hiện chung tại lớp biểu mô: tăng sản tế bào đài (goblet cell) và tăng sản tế bào gai (squamous cell). Tại lớp màng nền (the reticular basement membrane), bệnh nhân COPD có triệu chứng giống hen có lớp màn nền dầy hơn bệnh nhân COPD không có triệu chứng giống hen. Khối lượng cơ trơn phế quản tăng lên trong COPD, nhưng không nổi bật bằng trong hen.34 Những biến đổi cấu trúc này có thể biểu hiện trên CT lồng ngực độ phân giải cao (HRCT). Bệnh nhân ACOS có ứ khí nhiều hơn trên CT chụp ở thì thở ra,19 có mức độ khí phế thũng nhẹ hơn và có thành phế quản dầy hơn trên CT chụp ở thì hít vào hơn bệnh nhân COPD đơn thuần.30

Về lâm sàng, ACOS có các yếu tố nguy cơ chính giống với hen và COPD. Tăng đáp ứng phế quản, một đặc điểm của hen, được xem như là một yếu tố nguy cơ gây COPD bên cạnh tuổi già và hít khí độc hại.35-37 Ở người lớn, tiền căn hen và tiếp xúc mạn tính với khói thuốc lá hoặc khói chất đốt sinh khối có thể tương tác với nhau để tăng nguy cơ tắc nghẽn đường dẫn khí không hồi phục,38-40 một đặc điểm quan trọng của ACOS. Hút thuốc lá có thể làm thay đổi kiểu viêm đường thở trong hen từ tăng bạch cầu ái toan thành tăng bạch cầu đa nhân trung tính với số lượng tế bào CD8+ tăng, do đó trở thành kiểu viêm thường thấy trong COPD.41 Bệnh nhân hen có hút thuốc lá có số lượng tế bào đài nhiều hơn, số lượng dưỡng bào nhiều hơn, số lượng bạch cầu ái toan ít hơn và lớp biểu mô dầy hơn bệnh nhân hen chưa bao giờ hút thuốc lá.42 ACOS trở nên phổ biến hơn ở người lớn tuổi.13, 26, 27 Điều này có thể do người lớn tuổi có thời gian tiếp xúc với dị nguyên dài hơn, hoặc tiếp xúc kéo dài với các kích thích trong môi trường như ô nhiễm không khí và hút thuốc lá thụ động, hoặc do có những biến đổi sinh lý học trong phổi liên quan đến tuổi già.43

CHẨN ĐOÁN ACOS THEO CÁCH TIẾP CẬN BẬC THANG

Bệnh nhân ACOS thường được chẩn đoán lúc 40 tuổi hoặc hơn.44 Triệu chứng của họ, như ho có đàm, khò khè và khó thở, thường dai dẵng nhưng có thể thay đổi theo thời gian. Khi điều trị bằng thuốc giãn phế quản và/hoặc corticosteroids hít (ICS), các triệu chứng này thường giảm một phần, nhưng đáng kể.4 Bệnh nhân ACOS thường có giới hạn luồng khí thở dai dẵng nhưng dao động một cách tự nhiên hoặc do điều trị.4

Chẩn đoán ACOS là một thách thức vì hiện chưa có các dấu ấn sinh học cụ thể để phân biệt ACOS với hen và COPD.45 Vì một yếu tố đơn thuần, như triệu chứng hô hấp hoặc kết quả hô hấp ký, không đủ để phân biệt giữa hen, COPD và ACOS,5 đặc biệt ở người lớn tuổi46 và ở người đã hoặc đang hút thuốc lá,47 các tiêu chuẩn chính và phụ đã được đề xuất để chẩn đoán ACOS.18, 24 Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này vẫn không chắc chắn và bác sĩ thường thay đổi chẩn đoán trong quá trình theo dõi bệnh nhân. Trong lâm sàng bác sĩ có thể gặp phải thách thức chẩn đoán ACOS ở 2 nhóm bệnh nhân sau: bệnh nhân hen có tắc nghẽn đường dẫn khí không hồi phục và bệnh nhân COPD có tiền căn hen. Chúng tôi đề xuất cách tiếp cận thực tế cho 2 nhóm bệnh nhân đó như sau:

Bệnh nhân được chẩn đoán hen trước đó

ACOS nên được xem xét ở bệnh nhân hen có các yếu tố nguy cơ gây giới hạn luồng khí thở dai dẵng (tắc nghẽn đường dẫn khí cố định): hen khởi phát lúc nhỏ với tình trạng khò khè trường diễn từ những năm đầu đời cho tới tuổi trưởng thành,35 hen kéo dài nhưng không được điều trị bằng ICS,48 hen khởi phát ở tuổi trưởng thành,49 và hen nặng hoặc hen khó trị.50

Cách tiếp cận bậc thang có thể áp dụng để chẩn đoán ACOS ở bệnh nhân hen có tắc nghẽn đường dẫn khí cố định (Hình 1). Chúng tôi đề xuất rằng, tất cả bệnh nhân hen có hội chứng tắc nghẽn nên được điều trị thử trong 3‒6 tháng bằng ICS liều cao kết hợp với thuốc dãn phế quản tác dụng dài (LABA) và kèm các thuốc khác để tối ưu hóa chức năng phổi và để loại trừ hội chứng tắc nghẽn có hồi phục.1 Thuốc kết hợp ICS/LABA có thể chỉ định cho bệnh nhân chưa bao giờ dùng ICS. Bệnh nhân đã từng dùng ICS hoặc thuốc kết hợp ICS/LABA ít nhất 3 tháng trước khi khám bệnh có thể xem xét dùng kèm các thuốc khác như thuốc đối kháng thụ thể muscarinic tác dụng dài (LAMA);51 thuốc kháng thụ thể leukotriene (LTRA);52, 53 hoặc thuốc kết hợp kích thích beta-2 tác dụng ngắn (SABA) và kháng thụ thể muscarinic tác dụng ngắng (SAMA) kèm theophylline phóng thích chậm nếu không có LAMA.1 Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân nên được đánh giá để bảo đảm rằng họ tuân thủ điều trị trước khi lặp lại hô hấp ký có thử thuốc giãn phế quản. ACOS là một chẩn đoán có thể nếu tắc nghẽn đường dẫn khí vẫn không hồi phục sau quá trình điều trị thử. Chúng tôi công nhận rằng các thuốc và thời gian điều trị thử được khuyến cáo như trên là còn bàn cải và nên được kiểm chứng trong các nghiên cứu tương lai.

Chẩn đoán ACOS được chấp nhận nếu bệnh nhân có tiền căn hít khí độc hại8 và/ hoặc có dấu hiệu khí phế thũng trên HRCT hoặc có DLCO giảm.43 Hiện vẫn chưa rõ là bệnh nhân hen có hội chứng tắc nghẽn cố định nên được phân loại là hen hay là ACOS. Theo quan điểm chúng tôi, bệnh nhân hen có hội chứng tắc nghẽn cố định nên được phân loại là ACOS nếu họ đã từng phơi nhiễm với khí độc hại như khói thuốc lá hoặc khói chất đốt sinh khối. Nếu không tiếp xúc khí độc hại trước đó, họ nên được phân loại là hen. Việc hỏi kỹ tiền căn tiếp xúc khí độc hại là rất quan trọng. Ví dụ, phụ nữ Á châu bị hen dai dẵng nên được khai thác tiền căn hít khói thuốc lá thụ động. Nam không hút thuốc lá nhưng bị hen dai dẵng nên được khai thác tiền căn tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất nghề nghiệp. HRCT và DLCO có thể giúp chẩn đoán phân biệt ACOS với hen. Tuy nhiên, giá trị ngưỡng của mức độ khí phế thũng trên HRCT hoặc của DLCO để chẩn đoán phân biệt 2 bệnh này vẫn chưa được thiết lặp.

 

Hình 1. Lưu đồ chẩn đoán ACOS ở bệnh nhân được chẩn đoán hen trước đó.

 

FEV1, thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên; FVC, dung tích sống gắng sức; ICS, corticosteroid dạnh hít; LABA, thuốc kích thích beta-2 tác dụng kéo dài; LAMA, thuốc đối kháng thụ thể muscarinic tác dụng kéo dài; LTRA, thuốc đối kháng thụ thể leukotriene; SABA, thuốc kích thích beta-2 tác dụng ngắn; SAMA, thuốc đối kháng thụ thể muscarinic tác dụng ngắn; HRCT, CT độ phân giải cao; DLCO, khả năng khuếch tán khí CO của phổi; GINA, Chiến lược toàn cầu về hen.

  

Bệnh nhân được chẩn đoán COPD trước đó

Bác sĩ có khuynh hướng gán bệnh nhân hen có hội chứng tắc nghẽn cố định cho COPD hơn là gán bệnh nhân COPD có hội chứng tắc nghẽn hồi phục một phần cho hen.54 Do đó, một bộ phận bệnh nhân được chẩn đoán COPD trước đó thực ra là hen hoặc ACOS; những bệnh nhân này nên được nhận dạng bởi vì chúng có các điều trị đặc hiệu khác nhau.55 Việc sử dụng những đặc điểm sau để chẩn đoán phân biệt ACOS với COPD đã được xem xét.

Tiền căn được bác sĩ chẩn đoán hen trước 40 tuổi đã được đề xuất để chẩn ACOS trong số những bệnh nhân COPD.19 Tuy nhiên, tiền căn này do bệnh nhân cung cấp có thể không đáng tin cậy ở các bệnh nhân ≥ 40 tuổi tại các cơ sở y tế tuyến đầu vì sai lệch nhớ lại hoặc không được xác định bằng đo chức năng hô hấp.56 Hơn nữa, tiền căn bị hen có thể không đủ để phân biệt ACOS với COPD bởi vì không phải tất cả bệnh nhân hen đều có triệu chứng hen điển hình và đều đáp ứng với ICS—nghĩa là không phải tất cả bệnh nhân hen đã từng được chẩn đoán xác định hen.9 Bác sĩ có thể cần phải hỏi ba mẹ bệnh nhân về tiền căn hen lúc nhỏ của bệnh nhân vì gần phân nửa bệnh nhân hen lúc nhỏ không biết mình bị hen từ nhỏ.57 Hỏi bệnh sử cẩn thận để nhận biết bệnh nhân từng có triệu chứng hen có thể giúp khẳng định tiền căn bị hen trước 40 tuổi.

Hô hấp ký có thử thuốc giãn phế quản nên được thực hiện thường quy vì test giãn phế quản dương tính là một trong những tiêu chuẩn để phân biệt ACOS với COPD.4 Tuy nhiên, cần cẩn thận khi phân tích kết quả test giãn phế quản ở bệnh nhân COPD vì tỉ lệ có test dương tính dao động tùy theo tiêu chuẩn như thế nào là test dương tính; một số bệnh nhân COPD có thể có chức năng phổi hồi phục đáng kể nếu dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.58

Số lượng bạch cầu ái toan trong đàm kích thích có thể hữu ích trong việc phân biệt ACOS với COPD. Bệnh nhân ACOS có số lượng bạch cầu ái toan trong đàm nhiều hơn bệnh nhân COPD đơn thuần.20, 59 Tuy nhiên, chỉ có một số ít bệnh viện làm được xét nghiệm đếm tế bào bạch cầu ái toan trong đàm và số lượng bạch cầu ái toan trong đàm của một bệnh nhân nhất định có thể không ổn định theo thời gian.60

 

KHUYẾN CÁO CHO ĐIỀU TRỊ ACOS

Điều trị chung

Vì bệnh nhân ACOS thường bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng cho hoặc hen hoặc COPD, đáp ứng của ACOS với điều trị vẫn chưa được biết nhiều.61 Về nguyên tắc, mục tiêu điều trị của ACOS cũng tương tự như của hen và COPD:62 kiểm soát và làm giảm triệu chứng, giảm số đợt kịch phát, giảm tốc độ sụt giảm chức năng phổi và hạn chế tác dụng phụ của thuốc điều trị.63 Điều trị có thể bao gồm các thành phần sau: giáo dục bệnh nhân, cai thuốc lá, tránh dị nguyên, chủng ngừa cúm, vật lý trị liệu phục hồi chức năng hô hấp và điều trị bệnh đồng mắc.64-66

Bệnh nhân ACOS có thể cải thiện với liệu pháp phối hợp ICS/LABA.67, 68 Một nghiên cứu theo dõi dọc trong cộng đồng cho thấy rằng, ở bệnh nhân COPD trên 65 tuổi có bệnh hen đi kèm, chiếm 28% trong toàn bộ bệnh nhân COPD, liệu pháp kết hợp ICS/LABA làm giảm một cách có ý nghĩa thống kê kết cục chung bao gồm tử vong do mọi nguyên nhân và nhập viện do COPD so với dùng LABA đơn thuần (HR 0,84, KTC 95%: 0,77—0,91).69 Tuy nhiên, lợi ích của ICS/LABA trong ACOS nên được kiểm chứng trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng.

LAMA nên được xem xét dùng ở bệnh nhân ACOS có khó thở đáng kể (mMRC > 1). Một thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng kéo dài 12 tuần cho thấy rằng thêm tiotropium 18 g một lần trong ngày vào ICS dường như có hiệu quả ở bệnh nhân COPD kèm hen (hoặc ACOS).70 Tỉ lệ bệnh nhân có đợt kịch phát ở nhóm tiotropium (5.7%) thấp hơn so với nhóm giả dược (10.7%). Một thử nghiệm hoán chuyển nhóm can thiệp khác ở bệnh nhân hen chưa được kiểm soát tốt bằng một ICS cho thấy thêm tiotropium thì hiệu quả hơn so với tăng liều thuốc ICS và không kém hiệu quả hơn so với thêm salmeterol khi đánh giá tất cả các kết cục, như là PEF sáng sớm và chiều tối, FEV1 trước giãn phế quản và số ngày hen được kiểm soát tốt.71

 

Cá thể hóa điều trị

Để tối ưu hóa kết cục điều trị, mỗi bệnh nhân có thể cần được đánh giá thêm để tìm các đặc điểm phù hợp cho các can thiệp cụ thể. Cách tiếp cận này phù hợp với xu hướng hiện thời: trong cùng một bệnh, nên nhận dạng một nhóm bệnh nhân có cùng đặc điểm lâm sàng, dự hậu, và quan trọng hơn, có đáp ứng tương tự nhau với các điều trị hiện có.72

Một ví dụ của cá thể hóa điều trị là ICS có thể xem xét dùng ở bệnh nhân ACOS có tăng đáng kể bạch cầu ái toan trong đàm (tỉ lệ bạch cầu ái toan ≥ 3%). Trong một thử nghiệm hoán chuyển nhóm can thiệp, tăng bạch cầu ái toan trong đàm tiên đoán được lợi ích ngắn hạn của điều trị ICS liều cao ở bệnh nhân COPD có viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan.73 Một nghiên cứu khác cho thấy rằng số lượng bạch cầu ái toan và nồng độ protein cationic do bạch cầu ái toan tiết ra trong dịch rửa phế quản phế nang ở bệnh nhân có đáp ứng với prednisone cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê so với bệnh nhân COPD không đáp ứng với prednisone.74

Một ví dụ khác của cá thể hóa điều trị là bệnh nhân ACOS đang hút thuốc lá có thể cần phải dùng ICS liều cao hơn bệnh nhân ACOS đã ngưng hút thuốc lá.41, 63 Một nghiên cứu mù đôi ngẫu nhiên có nhóm chứng cho thấy rằng bệnh nhân hen nhẹ có hút thuốc lá thì được kiểm soát kém với ICS liều thấp. Tình trạng kém kiểm soát này sẽ được khắc phục khi ICS được cho với liều cao hơn.75

Người lớn tuổi bị ACOS cần được đặc biệt chú ý và quản lý cẩn thận. Mặc dù hô hấp ký có thể được đo thành công ở 90% bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh tắc nghẽn đường dẫn khí mạn tính, khi kỹ thuật viên được huấn luyện thích hợp và chất lượng phòng đo hô hấp ký được đảm bảo,76 việc thực hiện hô hấp ký trong nhóm bệnh nhân này vẫn bị hạn chế do hợp tác kém.43 Khi không có thông tin về chức năng hô hấp, việc chẩn đoán xác định và đánh giá độ nặng của bệnh thường bị trì hoãn ở người lớn tuổi. Do đó, thỉnh thoảng bác sĩ phải cho bệnh nhân dùng ICS và/ hoặc LABA khi chưa có kết quả hô hấp ký và theo dõi sát đáp ứng lâm sàng. Hơn nữa, vì bệnh nhân lớn tuổi thường tuân thủ kém với điều trị và thường có tác dụng phụ của thuốc do dùng nhiều loại thuốc cho nhiều bệnh đồng mắc, họ nên được nhắc nhở về việc dùng thuốc và đánh giá tác dụng bất lợi của thuốc thường xuyên hơn.77

 

CÁC NGHIÊN CỨU TƯƠNG LAI VỀ ACOS

Các hiểu biết về ACOS còn hạn chế vì bệnh nhân ACOS thường bị loại khỏi các nghiên cứu lâm sàng, chẳng hạn bệnh nhân có tiền căn hen trong các nghiên cứu về COPD hoặc bệnh nhân có biểu hiện COPD trong các nghiên cứu về hen. Chúng ta cần các nghiên cứu quan sát dài hạn hoặc các nghiên cứu tiến cứu để trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau. Câu hỏi nghiên cứu thứ 1, gene nào là yếu tố nguy cơ gây ra ACOS? Bằng cách sử dụng phương pháp GWAS (genome-wide association studies), một nghiên cứu gần đây nhận thấy vài gene có thể có liên quan đến ACOS.30 Nghiên cứu này cung cấp các thông tin đầy đủ liên quan đến di truyền, lâm sàng và hình ảnh học của ACOS. Từ nghiên cứu ban đầu này, chúng ta nên tiến hành các nghiên cứu khác để hiểu và kiểm chứng mối quan hệ giữa kiểu gene và kiểu hình của ACOS. Câu hỏi nghiên cứu thứ 2, đâu là cơ chế sinh bệnh học phân tử của ACOS? Chúng ta cần hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của ACOS, nhận dạng các dấu ấn sinh học cụ thể cho việc chẩn đoán và phát triển các liệu pháp điều trị đích cho ACOS. Câu hỏi nghiên cứu thứ 3, diễn tiến tự nhiên hoặc tiên lượng của ACOS ra sao? Một nghiên cứu theo dõi dọc 5 năm đã mô tả diễn tiến tự nhiên của ACOS với việc sụt giảm chức năng phổi.78 Tốc độ sụt giảm FEV1 sau giãn phế quản ở bệnh nhân hen có tắc nghẽn đường dẫn khí cố định (giống nhóm bệnh nhân ACOS) (-49,7 ± 10,6 mL), tương tự như bệnh nhân COPD (-51,4 ± 9,8 mL, P = 0.71), nhưng nhanh hơn bệnh nhân hen có tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục hoàn toàn (-18,1 ± 10,1 mL, P < 0.01).78 Tuy nhiên, chúng ta biết rằng sự phát triển phổi bất thường ở tuổi nhỏ có thể gây tắc nghẽn đường dẫn khí cố định sau này,79 một nghiên cứu tiến cứu theo dõi từ lúc nhỏ là cần thiết. Câu hỏi nghiên cứu thứ 4, điều trị tối ưu cho ACOS là gì? Các nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng nên được thực hiện ở các bệnh nhân ACOS, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi.77

 

KẾT LUẬN

ACOS có thể là một từ tạm thời để chỉ các bệnh nhân mà bác sĩ khó có thể phân biệt được giữa hen và COPD.61 Một cách tiếp cận thay thế cho các bệnh tắc nghẽn đường thở mạn tính là mô tả các đặc điểm đặc trưng thay vì phân loại bệnh;80 điều này cho phép bác sĩ hình dung được tất cả các khía cạnh của bệnh và bắt đầu nghĩ về từng kiểu hình cụ thể và cách điều trị tương ứng.81 Dù gì đi nữa, chẩn đoán ACOS hiện là một thách thức cho bác sĩ; chúng ta cần các nghiên cứu tương lai để trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến bệnh lý quan trọng này.

Theo hoihohaptphcm.org

PK Đức Tín

Print Chia sẽ qua facebook bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua google bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua twitter bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua MySpace bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua LinkedIn bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua stumbleupon bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua icio bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua digg bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua yahoo bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua yahoo bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua yahoo bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS) Chia sẽ qua yahoo bài: Thách thức trong chẩn đoán hội chứng chồng lấp Hen-COPD (ACOS)

Tin tức liên quan

Ý KIẾN KHÁCH HÀNG

  • Tôi Nguyễn Thanh Sang, sinh năm 1990. Từ sau khi khám và điều trị tại phòng khám Đức Tín, tôi rất biết ơn Bác Sĩ đã giải thích và chia sẽ về bệnh tình của tôi. Trong suốt thời gian điều trị tại phòng khám tôi được chắm sóc rất tận tình của nhân viên phòng khám. giờ đây bệnh tình của tôi đã được cải thiện theo chiều hướng tốt. Mong phòng khám ngày càng phát triển hơn để có thể cứu được nhiều bệnh nhân.

    Tôi thành thật cảm ơn!. sđt: 0938303275

  • Tôi Huỳnh Thị Mười, sinh năm 1940 đã khám và điều trị tại phòng khám Đức Tín. Tôi rất hài lòng về cách phục vụ và chăm sóc bệnh nhân của phòng khám. Bác Sĩ rất tận tâm giải thích và chia sẻ cùng với bẹnh nhân.

    Tôi Huỳnh Thị Mười xin thành thật cảm ơn!SĐT: 0972868746

  • Theo tôi nhận định PK Đức Tín là nơi cả gia đình tôi đặt niềm tin, hi vọng khi đến khám. Bác sĩ tận tình, chu đáo, hòa nhã với bệnh nhân. Y tá và nhân viên PK lịch sự, vui vẻ, chu đáo. PK sạch sẽ, vô trùng nên tôi rất thích. ĐT: 0949914060.

  • Bác sĩ rất tận tình, chu đáo và Y tá rất dịu dàng, lịch sự, niềm nở với tôi. Phòng khám sạch sẽ, thoải mái, lịch sự. Tôi rất thích PK Đức Tín. Mỗi khi đến khám bệnh tôi rất an tâm. ĐT: 0839820792.

  • Tôi là bệnh nhân, đã tới phòng khám Ths.Bs. Lê Đức Tín. Tôi thấy bác sĩ rất tận tâm chăm sóc bệnh nhân, giải đáp mọi thắc mắc và nhân viên rất tận tình từ nhân viên tiếp tân đến các em xét nghiệm, điều dưỡng. Phòng khám rất sạch sẽ và khang trang. Tôi rất hài lòng. ĐT: 01227880829.

Tìm kiếm
Hỗ trợ khách hàng

    Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
    Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389

TOP