Bệnh nhân N.Q.H., nam giới, 58 tuổi, được bệnh viện tuyến dưới chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai ngày 27 tháng 3 năm 2017 với chẩn đoán chảy máu não. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, chưa bao giờ bị co giật hoặc đột quỵ não.
Trước khi được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 khoảng 5 ngày, bệnh nhân bị ngã cao. Sau khi ngã, bệnh nhân vẫn tỉnh nhưng đau đầu nhiều, thất ngôn, không có co giật, không liệt thần kinh khu trú. Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện tuyến dưới cấp cứu, chụp phim cắt lớp vi tính sọ não thấy hình ảnh chảy máu não cấp vùng thái dương trái.
Bệnh nhân được điều trị 5 ngày tại bệnh viện tuyến dưới nhưng đau đầu không giảm, ý thức có xu hướng xấu đi (chậm chạp hơn). Gia đình đã xin được chuyển bệnh nhân lên Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng tỉnh, đau đầu nhiều, thất ngôn, không liệt thần kinh khu trú. Phim cộng hưởng từ não và mạch não cho thấy hình ảnh chảy máu não, không thấy hình ảnh dị dạng mạch máu não.
Sau vài ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu A9, các bác sĩ đã tổ chức một vài cuộc hội chẩn với các chuyên gia, hội chẩn trực tuyến cũng có, hội chẩn "hoành tráng" cũng có nhưng chỉ nhận được một vài ý kiến chung chung rằng đây là tổn thương chảy máu não không có chỉ định mổ, hoặc đây là chảy máu não có thể do u mạch thể hang (cavernoma) vỡ hoặc dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM) vỡ có chỉ định mổ.
Câu chuyện thực sự rối bời, không có hướng giải quyết cụ thể và dứt điểm cho bệnh nhân. Nếu chảy máu não này là do u mạch thể hang vỡ hoặc dị dạng thông động tĩnh mạch não vỡ mà không được phẫu thuật lấy bỏ khối máu tụ và nguyên nhân gây chảy máu thì rất có thể sau này bệnh nhân lại bị chảy máu não tái phát nặng hơn hoặc xuất hiện co giật. Tuy nhiên, nếu đây chỉ là chảy máu não đơn thuần do tăng huyết áp thì không cần phẫu thuật, qua thời gian máu chảy sẽ tự tiêu đi và bệnh nhân sẽ tránh được cuộc phẫu thuật cũng như các tổn thương não nếu có không cần thiết.
Mổ hay không mổ? Một câu hỏi cần có lời giải đáp.
Thật may mắn làm sao, một chuyên gia phẫu thuật thần kinh (xin được giấu tên) đã có lời giải đáp. Sẽ rất khó khăn trong việc xác định một chấn thương gây chảy máu hay vì chảy máu não do u mạch thể hang vỡ hoặc dị dạng thông động tĩnh mạch não vỡ gây chấn thương. Nhưng vì bệnh nhân có khối máu tụ rất gọn, không có tổn thương não xung quanh (dập não), do vậy không thể loại trừ được vi dị dạng thông động tĩnh mạch não (micro AVM) vỡ, một dị dạng rất hay bị bỏ qua do không được để ý đến.
Micro AVM thường không thể chẩn đoán được bằng chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CTA), và ngay cả chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cũng khó có thể phát hiện được. Hơn nữa, bệnh nhân có 2 tổn thương tương đối biệt lập lẫn nhau cho nên giả thuyết chảy máu não là do chấn thương không phù hợp lắm.
Cuối cùng, qua hai ngày trao đổi và thảo luận nảy lửa, bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy khối máu tụ an toàn. Khối máu lấy ra được mang đi làm xét nghiệm mô bệnh học. Hôm nay, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm mô bệnh học, các bác sĩ đã "vỡ òa" mừng vui khôn xiết.
Mô bệnh học trả lời "Trên sinh thiết tổ chức não và máu tụ thấy hình ảnh tổn thương mạch máu gồm các mạch giống động mạch và tĩnh mạch có thành xơ dày xen kẽ vùng chảy máu. Không thấy hình ảnh ác tính. Kết luận: Hình ảnh mô bệnh học phù hợp với tổn thương vi dị dạng động tĩnh mạch não"
Theo timmachhoc.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389