TÓM TẮT
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của phồng động mạch chủ (PĐMC) bụng - chậu đã được phẫu thuật sử dụng mạch nhân tạo tráng bạc (MNTTB) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BVHNVĐ) và đánh giá kết quả sớm và trung hạn của phẫu thuật.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả theo dõi dọc hồi cứu kết hợp tiến cứu các bệnh nhân có sử dụng MNTTB tại Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, BVHNVĐ từ 12/2010 đến 9/2014.
Kết quả: Có 41 bệnh nhân, tuổi trung bình 63,4±11,6 tuổi, đa số là nam (88%). Triệu chứng thường gặp: đau bụng/lưng (82,9%); có khối ở bụng đập theo mạch (97,6%), hội chứng nhiễm trùng 63,4%, hội chứng thiếu máu: 36,6%, số bệnh nhân có tăng bạch cầu là 28, đa số khối phồng hình túi (68,3%), kích thước trung bình là 59,7 ± 16,7 mm, có 16 bệnh nhân có kết quả cấy vi sinh dương tính (E.Choli, Citro bacter freundii, Salmonella…). Đặc điểm phẫu thuật: mổ cấp cứu 26 (63,4%) bệnh nhân; cả 41 bệnh nhân được tái thông mạch máu tại chỗ: đoạn mạch thẳng 18(44%) và đoạn mạch chữ Y 23 (56%). Thời gian nằm viện trung bình 15,3±7 ngày, tử vong sớm sau mổ 4 (9,8%) bệnh nhân, mổ lại 5 bệnh nhân. 37 bệnh nhân xuất viện, 2 bệnh nhân mất liên lạc. Thời gian theo dõi sau mổ trung bình: 23,57 ± 13,4 tháng, tử vong 1 bệnh nhân vì bệnh tim mạch (2,9%), 2 bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ.
Kết luận: Sử dụng mạch nhân tạo tráng bạc trong phẫu thuật bệnh lý PĐMC bụng - chậu là an toàn, hiệu quả với tỷ lệ biến chứng và tử vong thấp.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Phồng động mạch chủ bụng dưới thận chiếm
90-95% trong số các PĐMC nói chung [1]. Nguyên nhân có tới 90% là do vữa xơ thành mạch, còn lại là do bẩm sinh, sau chấn thương, viêm nhiễm [2]… PĐMC nhiễm trùng chiếm 22% PĐMC nói chung, được ghi nhận ở tất cả các lứa tuổi [3],[4]. Để xử lý các tổn thương mạch máu nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm trùng mạch nhân tạo, trên thế giới hiện nay đang áp dụng nhiều giải pháp, một trong số đó là sử dụng mạch nhân tạo tráng bạc (MNTTB). Tại BV Việt Đức, sử dụng MNTTB để điều trị những tổn thương mạch máu nhiễm trùng hoặc nguy cơ nhiễm trùng từ tháng 12/2010 [5],[6]. Một câu hỏi đặt ra: "Sử dụng MNTTB trong phẫu thuật có thực sự cải thiện tiên lượng của bệnh nhân PĐMCB dưới thận, phồng động mạch chậu nhiễm trùng hoặc nguy cơ nhiễm trùng?". Từ thực tiễn trên, chúng tôi thực hiện đề tài: "Kết quả trung hạn phẫu thuật PĐMC bụng - chậu sử dụng MNTTB tại BVHNVĐ" với hai mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của PĐMC bụng - chậu đã phẫu thuật có sử dụng MNTTB tại BVHNVĐ và Đánh giá kết quả sớm và trung hạn của phẫu thuật này.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp mô tả có theo dõi dọc hồi cứu - tiến cứu. Các bệnh nhân được chẩn đoán PĐMCB dưới thận, phồng ĐM chậu đã phẫu thuật sử dụng MNTTB tại Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực BVHNVĐ từ 12/2010 đến 9/2014.
Tiêu chuẩn lựa chọn
+ Các bệnh nhân được chẩn đoán PĐMCB dưới thận, PĐMCB-chậu hoặc phồng ĐM chậu được phẫu thuật thay đoạn ĐMC bụng dưới thận và hoặc ĐM chậu bằng MNTTB từ 12/2010 đến 9/2014.
+ Hồ sơ bệnh án đầy đủ đáp ứng được các chỉ tiêu nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ
+ BN chẩn đoán là PĐMCB dưới thận, phồng ĐMCB - chậu hoặc phồng ĐM chậu nhưng không phẫu thuật hoặc không dùng mạch nhân tạo tráng bạc.
+ Các bệnh nhân mổ lại do nhiễm trùng mạch nhân tạo không tráng bạc.
+ Hồ sơ bệnh án không đầy đủ.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trong thời gian từ 12/2010 đến 9/2014 có 41 BN đủ tiêu chuẩn nghiên cứu trong đó có 36 (88%) nam. Tuổi trung bình: 63,4 ± 11,6 tuổi, bệnh gặp chủ yếu ở người trên 50 tuổi (91,2%). Phần lớn BN được nhập viện từ 1 đến 2 tháng kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (61%). 6 bệnh nhân (14,9%) nhập viện sau 2 tháng kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, trong đó có 2 trường hợp đã được chẩn đoán trong 3 năm. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là: đau bụng/lưng: 82,9%, khối đập theo mạch: 97,6%, hội chứng nhiễm trùng: 63,4%, hội chứng thiếu máu 36,6%, suy thận 17,1%, Shock mất máu 7,3%.
Có 28 (68,3%) bệnh nhân có tăng bạch cầu, 17 bệnh nhân tăng CRP trong tổng số 22 bệnh nhân được làm xét nghiệm CRP trước mổ.
Trên MSCT: 18 (43,9%) bệnh nhân có PĐMC bụng - chậu, 13 (31,7%) - PĐMC bụng dưới thận, 10 (24,4%) - phình động mạch chậu gốc. Phồng hình túi 28 (68,3%) trường hợp, hình thoi -13 (31,7%) trường hợp. Đường kính khối phồng trung bình: 59,7 ±
16,7 (từ 40 đến 100 mm).
Có 26 (63,4%) BN được phẫu thuật cấp cứu,15 (36,6%) BN phẫu thuật có kế hoạch. Trong 41 trường hợp PĐMCB dưới thận và phồng ĐM chậu thì có 16 BN bị vỡ khối phồng. 18 (43,9%) trường hợp thành khối phồng có dịch đục nghi mủ, 41/41(100%) trường hợp có huyết khối bám quanh khối phồng. 1 bệnh nhân có ứ nước thận phải. Tổn thương phối hợp: 1 bệnh nhân bị ung thư dạ dày, 1 bệnh nhân bị viêm dính túi thừa Meckel.
Không có trường hợp tử vong vì tai biến trong phẫu thuật. Có 2 (4,9%) bệnh nhân bị tai biến trong phẫu thuật: 1 trường hợp bị rách tĩnh mạch chủ dưới và đụng giập động mạch mạc treo hồi tràng, 1 bệnh nhân bị rách tĩnh mạch chậu phải.
Cả 41 bệnh nhân được mổ cắt bỏ khối phồng và những tổ chức hoại tử xung quanh. Tái thông mạch máu tại chỗ: đoạn mạch thẳng ở 18 (44%) bệnh nhân và đoạn mạch chữ Y ở 23(56%) bệnh nhân.
Tỷ lệ cấy máu dương tính không cao, nhưng nhìn vào biểu đồ ta thấy có nhiều loại vi khuẩn khác nhau (biểu đồ 1). Thời gian sử dụng kháng sinh trung bình trên 1 bệnh nhân 15,3 ± 7 ngày (từ 3 đến 35 ngày). Trong đó có 26 (63,6%) bệnh nhân sử dụng 2 loại kháng sinh, 14 (34%) bệnh nhân - 3 loại kháng sinh, 1 (2,4%) bệnh nhân - 1 kháng sinh.
Thời gian nằm viện trung bình là 15,3 ± 7 ngày (từ 3 đến 35 ngày). Tất cả 41 bệnh nhân sau mổ mạch nhân tạo thông tốt, không có huyết khối, không hẹp tắc miệng nối. Các biến chứng sau mổ trình bày bảng 1. Trong 4 bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật trong đó có 3 bệnh nhân mổ lại, trường hợp không mổ lại là ở bệnh nhân có tiền sử: suy tim, suy thận, tăng huyết áp.
Có 37 bệnh nhân xuất viện và hẹn tái khám định kì: khám lâm sàng và siêu âm, tuy nhiên có 2 bệnh nhân mất liên lạc tại thời điểm hiện tại. Thời gian theo dõi sau mổ trung bình: 23,57 ± 13,4 tháng, thời gian theo dõi ngắn nhất là 3 tháng, lâu nhất là 45 tháng. Có 1/35 (2,9%) trường hợp tử vong trong thời gian theo dõi, 2 trường hợp nhiễm trùng vết mổ, 3 bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu chi dưới mãn tính.
Theo vnha.org
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389