Nữ bệnh nhân 27 tuổi ở TP HCM vào viện vì đau lưng, đột ngột liệt hai chân, mất cảm giác muốn đi tiểu.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết hình ảnh MRI cột sống ngực của bệnh nhân ghi nhận tổn thương phù tủy và nhiều mạch máu dọc mặt sau tủy sống. Ảnh chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA cho thấy đường thông nối bất thường chạy dài bên cạnh tủy sống của bệnh nhân.
Ê kíp can thiệp gồm bác sĩ Nguyễn Minh Đức và Trần Dạ Vương đã đưa ống thông đến vị trí rò và bơm vật liệu tắc mạch để bít. Sau ca can thiệp vào tuần trước, bệnh nhân dần hồi phục hai chân và có cảm giác muốn đi tiểu.
Theo bác sĩ Tuấn, đây là bệnh hiếm gặp do sự thông nối bất thường của hệ động và tĩnh mạch tủy sống, gây ra rối loạn vòng tuần hoàn mạch máu nuôi tủy. Tĩnh mạch quanh tủy giãn lớn gây chèn ép, tắc nghẽn và có thể gây xuất huyết, phù tủy, rối loạn chức năng hoạt động tủy sống dẫn tới yếu liệt tứ chi, rối loạn hoạt động bàng quang tùy thuộc vào vị trí tổn thương của tủy.
Dị dạng mạch máu tủy sống là bệnh lý bẩm sinh do sự rối loạn trong quá trình phát triển mạch máu thời kỳ bào thai, không thể phòng ngừa. Bệnh có thể tiến triển âm thầm, không biểu hiện triệu chứng, có thể dẫn đến liệt đột ngột hoặc tử vong. Người bị dị dạng mạch máu tủy sống thường khoảng 30-60 tuổi.
Người yếu hai chân, hai tay, tê toàn bộ hay một phần cơ thể, rối loạn hoạt động tiêu tiểu cần khám tại chuyên khoa thần kinh. Sự hồi phục của bệnh nhân tùy thuộc vào khoảng thời gian phát hiện bệnh và mức độ trầm trọng của triệu chứng.
Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể bị tàn phế hay tử vong do vỡ dị dạng gây thương tổn tủy, biến chứng như nhiễm khuẩn lở loét do nằm bất động, liệt hai chân, tiêu tiểu không tự chủ... Bệnh có thể chữa khỏi hay chỉ điều trị một phần, có trường hợp không điều trị được. Hiện nay phương pháp can thiệp mạch máu giúp bệnh nhân không để lại sẹo, xuất viện sau 48 giờ.
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389