Suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò...
Bệnh hay gặp ở nữ giới, cần phát hiện sớm để tránh các biến chứng nặng: viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, huyết khối tĩnh mạch,... tránh được nguy cơ can thiệp ngoại khoa
1. Định nghĩa:
Giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lành tính do sự rối loạn lưu thông dòng máu tĩnh mạch về tim, đa phần do sự bất thường cấu tạo thành mạch 2 chân, thường do nguyên nhân thứ phát.
2. Phân loại giãn tĩnh mạch chi dưới: Tùy theo vị trí và nguyên nhân của tổn thương bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm giãn tĩnh mạch tiên phát hay còn gọi là giãn tĩnh mạch vô căn: trong nhóm này, ban đầu các tĩnh mạch bị giãn và dài ra sau đó các van tĩnh mạch mất dần chức năng.
- Nhóm giãn tĩnh mạch thứ phát, thường do viêm tĩnh mạch: ở nhóm này các van tĩnh mạch bị mất chức năng trước, sau đó các tĩnh mạch mới bị giãn và dài ra.
- Giãn tĩnh mạch ở người có thai, do tác dụng của nội tiết tố sinh dục nữ và chèn ép của tử cung bị to ra khi có thai.
- Giãn tĩnh mạch bẩm sinh, nguyên nhân do bất thường của thành tĩnh mạch làm nghẹt tĩnh mạch sâu và dò động tĩnh mạch (dạng u máu hỗn hợp).
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ:
- Yếu tố gia đình, di truyền
- Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp. Nữ mắc nhiều hơn nam 4- 5 lần
- Béo phì.
- Thuốc ngừa thai do sử dụng nội tiết tố nên cũng là một yếu tố nguy cơ như thai nghén.
- Tiền sử phẫu thuật vùng tiểu khung như phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương chi dưới.
- Những bệnh nhân có yếu tố, bệnh lý gây tăng áp lực ổ bụng, gắng sức khi đi ngoài như táo bón.
4. Chẩn đoán:
a. Triệu chứng cơ năng:
- Đau tức 1 hoặc 2 chân, cảm giác chuột rút.
- Nặng 2 chân sau khi nằm, đứng, ngồi lâu mất hoặc giảm đi khi bệnh nhân đi lại
- Đau nhiều khi có viêm tắc tĩnh mạch kèm theo.
b. Toàn thân:
- Có hội chứng nhiễm trùng nếu có viêm tắc tĩnh mạch.
- Bệnh lý tim mạch, hô hấp kèm theo
c. Thực thể:
- Chi dưới nổi các búi tĩnh mạch.
- Đám xuất huyết trên da.
- Vết loét .
- Sờ các tĩnh mạch, thấy tĩnh mạch sơ xơ cứng.
- Khám các cơ quan khác: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa,…
- Nghiệm pháp: Schwarz, ho,Trendelenburg và nghiệm pháp Perthe.
d. Cận lâm sàng:
- Các xét nghiệm thường quy: Phục vụ cho điều trị
- Siêu âm Doppler mạch máu 2 chi dưới: xác định được những rối loạn huyết động học, tình trạng của các van tĩnh mạch, mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch
5. Điều trị:
a. Nội khoa:
- Phòng ngừa: Phương pháp này nhằm chặn đứng sự trào ngược và làm cho các lực tác động lên dòng chảy của tĩnh mạch được tốt hơn. Bao gồm: Để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang vớ thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón,…
- Băng ép 2 chân bằng băng chun, bằng tất điều trị
- Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch như Daflon, Rutin C, Veinamitol v.v… nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Một số thầy thuốc chuyên khoa còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.
b. Can thiệp ít xâm lấn:
- Hiện nay người ta còn áp dụng phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm -90 độ C để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch, tuy nhiên phương pháp này cho tỷ lệ tái phát khá cao đến 30% các trường hợp.
- Xơ tắc mạch bằng sóng cao tần: RFA (Radiofrequency Ablation) là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra do bởi sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng sóng âm thanh (200 - 1.200 MHz). Dòng điện từ máy được truyền vào mô cơ thể qua một điện cực dạng kim (needle electrode), dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông phần mô cần hủy.
RFA nhằm mục đích loại bỏ dòng máu trào ngược trong tĩnh mạch hiển lớn, thường được thực hiện cho những bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân độ 2 trở lên theo phân độ CEAP. Bệnh nhân suy tĩnh mạch đã điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc và mang vớ áp lực hơn 1 tháng nhưng chưa thuyên giảm triệu chứng hay không cải thiện điểm độ nặng lâm sàng, siêu âm có dòng trào ngược trong hệ tĩnh mạch, cũng có thể điều trị bằng RFA.
c. Phẫu thuật Stripping:
Phẫu thuật với mục đích loại bỏ hoàn toàn tĩnh mạch nông bị suy giãn. Hiện nay phẫu thuật Stripping tĩnh mạch được áp dụng thường qui. Phẫu thuật được tiến hành dưới gây tê vùng (tê tủy sống) hoặc gây mê toàn thân với các vết rạch nhỏ 1-1,5cm trên da nên hoàn toàn thẩm mỹ, không để lại sẹo. Cuộc mổ kéo dài khoảng 30 phút-1giờ cho một chân, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24-48h
Hình ảnh một ca phẫu thuật Stripping
Nữ giới với đặc thù công việc phải đứng lâu, phải sinh con,... là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới. Chính vì vậy, khi bạn thấy chân có cảm giác tức nặng, phù chân sau khi ngủ dậy,...thì hãy nghĩ tới bệnh thường gặp này để đến cơ sở y tế gần nhất nhằm chữa trị kịp thời.
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389