Hiện nay cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và y học, tuổi thọ của dân số trên thế giới ngày càng được cải thiện dần và kéo theo đó là sự già hóa dân số.
Ước tính đến năm 2060, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 20% dân số [5]. Suy yếu và bệnh lý tim mạch là hai vấn đề rất phổ biến ở người cao tuổi. Như vậy, liệu có mối liên hệ nào giữa suy yếu và bệnh lý tim mạch? Và ảnh hưởng của suy yếu lên bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi là như thế nào?
SUY YẾU Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Suy yếu (frailty) có gốc từ tiếng Pháp là frêle, có nghĩa là “sức đề kháng ít” và từ Latin fragilis, có nghĩa là “dễ tổn thương” [1]. Suy yếu được định nghĩa là một hội chứng lão hóa mà ở đó người cao tuổi giảm sức đề kháng với các yếu tố gây stress do sự suy giảm dự trữ sinh lý của các hệ cơ quan [1], [14]. Sự suy giảm sức đề kháng dẫn đến cơ thể không thể chịu được tác động của các tác nhân từ bên ngoài, đến một ngưỡng nào đó sẽ dẫn đến sự suy giảm chức năng của các hệ cơ quan: thần kinh cơ, chuyển hóa, miễn dịch, dinh dưỡng, nhận thức, sức mạnh.
Sinh lý học của quá trình suy yếu cũng đang dần được làm sáng tỏ qua các nghiên cứu. Trong đó, ở mức độ phân tử và bệnh lý, có vai trò của các bệnh lý viêm, sự tổn hại DNA, sự ngắn lại telomere và các stress oxy hóa. Các yếu tố này dẫn đến rối loạn điều hòa hoạt động của hệ thần kinh – nội tiết và quá trình viêm. Từ đó, qua các hóa chất trung gian như IL-6, steroid sinh dục đưa đến hậu quả là thiếu cơ, chán ăn, suy giảm miễn dịch, nhận thức, chuyển hóa glucose và cuối cùng dẫn đến các biểu hiện lâm sàng của suy yếu: yếu, mau mệt, sụt cân,…
Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán suy yếu. Có hơn 20 công cụ được phát triển và nghiên cứu để chẩn đoán suy yếu, trong đó có thể kể đến như thang điểm suy yếu Edmonton, thang điểm suy yếu lâm sàng của Canada, thang điểm Gronningen,…Hầu hết các công cụ đều tập trung vào một trong năm khía cạnh của suy yếu: chậm chạp, yếu, mức độ hoạt động thấp, mau mệt và sụt cân [2]. Fried và cộng sự và đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán suy yếu và tiêu chuẩn này đã trở thành một công cụ được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu. Theo đó, tiêu chuẩn Fried gồm 5 yếu tố: sụt cân không chủ ý, mau mệt, mức độ hoạt động thấp, giảm tốc độ đi và yếu cơ [5], [14]. Bệnh nhân được chẩn đoán là suy yếu khi đạt đủ ba trong năm yếu tố kể trên. Nếu chỉ đạt một hoặc hai yếu tố sẽ được chẩn đoán là tiền suy yếu.
Suy yếu rất phổ biến ở người cao tuổi. Tỉ lệ suy yếu ở mỗi nghiên cứu sẽ có khác nhau do khác biệt về dân số nghiên cứu và công cụ sử dụng để đánh giá suy yếu. Theo các nghiên cứu, tỉ lệ suy yếu ở người trên 65 tuổi sống trong cộng đồng ước tính khoảng 7% đến 14% và tỉ lệ tiền suy yếu khoảng 19% đến 63% [4].
Suy yếu ở người cao tuổi đưa đến nhiều hậu quả như tăng tỉ lệ té ngã, tăng tỉ lệ tái nhập viện, làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng tỉ lệ tàn tật và tử vong [4], [5].
BỆNH LÝ TIM MẠCH Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi. Tuổi là một yếu tố nguy cơ chung cho tất cả các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ [5].
Có rất nhiều sự thay đổi sinh lý trong quá trình lão hóa của hệ tim mạch, chính những thay đổi này dẫn đến các bệnh lý của hệ tim mạch.
Bảng 1:Các thay đổi sinh lý theo tuổi và các bệnh lý của hệ tim mạch [5].
Thay đổi liên quan đến tuổi |
Cơ quan |
Bệnh lý hệ tim mạch |
Tăng độ dày lớp nội mạc Động mạch cứng Áp lực mạch tăng Tăng vận tốc sóng mạch Phản hồi sóng trung tâm sớm Giảm giãn mạch qua các chất trung gian |
Mạch máu |
Tăng huyết áp tâm thu Hẹp động mạch vành Hẹp động mạch ngoại biên Hẹp động mạch cảnh |
Tăng kích thước nhĩ trái Ngoại tâm thu nhĩ |
Tâm nhĩ |
Rung nhĩ |
Giảm tần số tim tối đa Giảm dao động tần số tim |
Nút xoang |
Rối loạn nút xoang, hội chứng nút xoang bệnh |
Tăng thời gian dẫn truyền |
Nút nhĩ thất |
Block nhĩ thất độ hai, ba |
Calci hóa, xơ hóa |
Van tim |
Hẹp, hở van tim |
Tăng sức căng thành thất Co cơ tim kéo dài Kéo dài thời gian đổ đầy tâm trương Giảm cung lượng tim tối đa Block nhánh phải Ngoại tâm thu thất |
Tâm thất |
Phì đại thất trái
Suy tim
Nhịp nhanh thất, rung thất |
3. MỐI LIÊN QUAN GIỮA SUY YẾU VÀ BỆNH LÝ TIM MẠCH
Sinh lý bệnh học giữa suy yếu và bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi rất phức tạp, nhưng cả hai quá trình trên có một số điểm chung. Trong đó, yếu tố liên quan mạnh giữa hai quá trình trên đó là yếu tố viêm mạn tính [1], [5]. Những nguyên nhân của quá trình viêm gồm việc tiếp xúc lâu dài với các kháng nguyên, hoạt hóa angiotensin 1R, béo phì, đề kháng insulin và mất cân bằng trong quá trình oxy hóa khử [1], [5]. Các yếu tố này đều được tìm thấy có mối liên quan ở bệnh nhân bệnh mạch vành và suy yếu. Các chất đánh dấu viêm như việc hoạt hóa neutrophil và monocyte, tăng protein phản ứng C (CRP), IL-6 và các chất đánh dấu đông máu như yếu tố VIII và D-dimer đều tăng ở bệnh tim mạch và suy yếu [5].
Trong bệnh lý tim mạch, yếu tố viêm đóng vai trò quan trọng trong oxy hóa lipoprotein và hoạt hóa mảng xơ vữa. Trong suy yếu, yếu tố viêm có thể gây dị hóa hệ thần kinh hormon, lấy amino acid từ cơ gây giảm khối cơ [1], [5]. Vì cơ là nơi chứa chủ yếu các amino acid nên việc giảm khối cơ và giảm chuyển hóa trong cơ làm giảm khả năng duy trì và đề kháng của cơ thể với các stress [1]. Do đó, việc giảm khối cơ là yếu tố cốt lõi trong suy yếu.
Một yếu tố chung khác của cả hai quá trình suy yếu và bệnh lý tim mạch là sự đề kháng insulin. Bên cạnh việc có mối liên hệ với yếu tố viêm, đề kháng insulin còn làm giảm việc bẻ gãy các protein cơ, giới hạn các acid amin có sẵn để sửa chữa [1], [5]. Thiếu vitamin D cũng góp phần vào mối liên quan giữa suy yếu và bệnh lý tim mạch. Một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng như thiếu máu, tăng bạch cầu, fibrinogen, số lượng của các yếu tố nhân [5].
Bên cạnh việc có chung một số yếu tố liên quan, bệnh lý tim mạch cũng góp phần vào tiến triển của suy yếu, làm quá trình suy yếu nặng lên. Hậu quả cuối cùng dẫn đến tàn tật, nhập viện và tăng tỉ lệ tử vong.
Nhiều nghiên cứu chứng minh được mối liên quan giữa suy yếu và bệnh lý tim mạch như Zutphen Elderly Men Study, Cardiovascular Health Study (CHS), Beaver Dam Eye Study và Women’s Health and Aging Study (WHAS) với tỉ số chênh OR từ 1.41 đến 4.1 [1], [5]. Các nghiên cứu dịch tễ học về sự đồng mắc giữa suy yếu và bệnh lý tim mạch với tần suất suy yếu thay đổi từ 25% đến 50%, tùy vào định nghĩa suy yếu được sử dụng [1].
Theo timmachhoc.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389