Có một sự thực giật mình là ngày càng có nhiều người trẻ mắc chứng hay quên. Với một số chị em thì đó là hệ quả của chứng suy giảm trí nhớ sau thời kỳ mang bầu và sinh con. Nhưng ngay cả với nhiều phụ nữ chưa lập gia đình, nam thanh niên cường tráng thì chứng đãng trí cũng không ngừng tấn công họ.
Vì sao người trẻ mắc chứng hay quên?
Có hai loại trí nhớ khác nhau là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là ghi nhớ những việc diễn ra trong vòng vài giờ gần đây, trí nhớ dài hạn là liên quan đến các tiến trình trong quá khứ và các mối liên hệ. Khi người trẻ tuổi bị hư hỏng một hoặc cả hai loại trí nhớ trên thì họ sẽ bị mắc chứng... quên. Các nguyên nhân gây bệnh hay quên ở người trẻ gồm:
Làm việc căng thẳng: Phần lớn người trẻ tuổi phàn nàn về trí nhớ của mình không phải là những người mắc bệnh lý suy giảm trí nhớ thật sự mà do những người này thường mắc một trong các hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, căng thẳng kéo dài hoặc stress cấp tính, áp lực công việc, rối loạn giấc ngủ làm giảm tập trung chú ý và ảnh hưởng đến trí nhớ. Họ thường khó khăn trong việc nhớ các sự kiện mới và nhớ lại các việc đã qua. Tuy nhiên, khi được điều trị và thư giãn thần kinh tốt, khả năng trí nhớ cũng phục hồi dần theo tiến triển tốt lên của bệnh.
Nhiều người trẻ trong xã hội hiện đại đang phải đối mặt với chứng sa sút trí nhớ.
Do các bệnh lý: Người mắc bệnh gan, thận mạn tính mà không biết để điều trị, hoặc bệnh phổi mạn tính gây thiếu oxy não cũng có triệu chứng hay quên.
Nguyên do bệnh ở não và chấn thương não: Mất trí nhớ tạm thời dễ xảy ra ở những người bị viêm não và viêm màng não. Các nguyên nhân này có thể gây tổn thương vững bền ở não. Tùy theo mức độ tổn thương, người ta có thể mất trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn, hoặc cả hai. Nhiều bệnh thực thể có biểu hiện hay quên như bệnh nhân sau đột quỵ, các chấn thương não ở người lớn tuổi như bị máu tụ dưới màng cứng (chấn thương này thường xảy ra khi bị ngã và đập đầu nhẹ vào tường nhưng không biết, hoặc ngã trong lúc say xỉn nên không nhớ). Ngoài ra, còn có những trường hợp teo vỏ não do mắc một bệnh di truyền hoặc bệnh lý thoái hóa não... cũng gây mất trí nhớ và hay quên.
Đa số bệnh nhân chấn thương sọ não bị mất trí nhớ ngắn hạn, họ không thể nhớ lại về tai nạn đã qua. Nếu tổn thương não rộng và nặng hơn thì có thể mất cả trí nhớ dài hạn.
Do thuốc, chất gây nghiện: Người thiếu vitamin B1 dễ bị chứng mất trí nhớ mang tên hội chứng Wernicke - Korsakoff. Hội chứng này thường thấy ở người thiếu ăn kéo dài hoặc người nghiện rượu. Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến tới sa sút trí tuệ. Sử dụng các chất kích thích, nghiện rượu bia lâu năm, sử dụng chất gây nghiện như cocain cũng là nguyên nhân gây chứng hay quên.
Chớ chủ quan
Thật đáng tiếc là hầu hết những người phải đối mặt với chứng sa sút trí nhớ ở giai đoạn đầu lại rất chủ quan, không coi đó là một chứng bệnh, nên không̣ nghĩ tới chuyện phải gặp bác sĩ vì mấy cái sự nhớ nhớ quên quên. Nhiều người cho rằng trí nhớ có thể tự phục hồi mà không hiểu rằng cùng với tuổi tác và các tác nhân ngoại cảnh khác (rượu, thuốc lá, stress...) trí nhớ ngày càng rời xa họ với tốc độ nhanh hơn và di chứng mà chúng để lại cũng ngày một tồi tệ hơn.
Chứng quên nếu điều trị kịp thời ở giai đoạn nhẹ thì khá đơn giản và không tốn kém, nhưng khi đã chuyển sang bệnh lý tâm thần thì việc điều trị vừa phức tạp lại cho kết quả rất khiêm tốn. 90% những người phát hiện ra mình hay quên thường không đủ can đảm đến gặp bác sĩ tư vấn hoặc đi khám mong tìm ra nguyên nhân của bệnh. Con số này dường như đang tỷ lệ thuận với số người buộc phải nhập viện để điều trị những bệnh như trầm cảm, hoang tưởng.
Chứng hay quên sẽ không còn tác hại nếu bạn thực hiện đúng những lời khuyên sau: Ghi chép ra giấy từng công việc cụ thể, thời gian, địa điểm thực hiện, và xếp thứ tự ưu tiên, bạn sẽ dễ dàng giải quyết chúng hơn. Ngăn nắp, gọn gàng, sắp đặt mọi thứ đúng vị trí của nó. Cần tránh ôm đồm nhiều việc cùng lúc, hãy cố gắng làm đến nơi đến chốn từng việc và khi hoàn thành rồi thì dù hay hay dở cũng tạm quên chúng đi để bắt tay vào việc mới. Chứng sa sút trí nhớ có quan hệ mật thiết với tình trạng thiếu ngủ và stress, vì vậy bạn cần ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi, thư giãn đúng cách. Nên chăm chỉ vận động thân thể. Thể dục thể thao không chỉ giúp rèn luyện thể lực mà còn cải thiện trí lực bởi nó thúc đẩy khí huyết lưu thông, tăng cường chuyển hóa và gia tăng tuần hoàn não, cân bằng tâm trạng. Những môn thể thao ngoài trời như bơi, đi bộ, đạp xe cũng tốt cho trí nhớ hơn những môn thể thao trong nhà. Thiền, yoga, khí công dưỡng sinh cũng là những hoạt động hữu hiệu ngăn chặn tình trạng lão hóa của não bộ và cải thiện trí nhớ.
Theo suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389