Tiểu máu (đái máu) là tình trạng xuất hiện máu hay có một lượng hồng cầu bất thường nhất định trong nước tiểu. Ơ một số trường hợp dấu hiệu này có thể tự hết, nhưng người bệnh không nên chủ quan, vì đến 95% trường hợp tiểu máu là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.
Tiểu máu là gì?
Nước tiểu là một chất lỏng do thận tiết ra, thải ra ngoài cơ thể qua đường niệu đạo. Tùy vào chế độ ăn uống của mỗi người mà màu sắc và liều lượng nước tiểu sẽ có sự khác biệt. Sự thay đổi màu sắc của nước tiểu còn phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Tiểu máu có thể nhìn thấy bằng mắt thường qua sự thay đổi màu sắc như nước tiểu có màu đỏ hay có máu cục trong nước tiểu được gọi là tiểu máu đại thể.
Khi không nhìn thấy máu trong nước tiểu hay nước tiểu trong vẫn có thể có tình trạng tiểu máu. Đây là tình trạng tiểu máu vi thể, chỉ có thể được ghi nhận qua tổng phân tích nước tiểu và soi tươi nước tiểu.
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Các nhóm nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu máu:
- Bệnh lý ở bàng quang: Bệnh lý thường gặp nhất là sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, viêm bàng quang do virus, bướu bàng quang. Triệu chứng nhận biết là tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu ra máu, thường phát hiện nhờ siêu âm.
- Bệnh lý ở niệu đạo - tuyến tiền liệt: Đối với nam giới, bệnh lý gây tiểu máu thường do phì đại tuyến tiền liệt hay tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Có thể nhận biết khi thấy khó đi tiểu, tiểu lắt nhắt, són tiểu, siêu âm thấy tuyến tiền liệt lớn. Còn đối với phụ nữ, tiểu máu có thể do polyp niệu đạo, bệnh này có thể phát hiện và chẩn đoán dựa trên nội soi niệu đạo.
- Các bệnh lý về thận: Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng đái máu. Các bệnh lý về thận liên quan có thể kể đến:
1. Sỏi thận: Là chứng bệnh hay gặp và dễ gây tiểu máu nhất. Người bệnh thường có cơn đau quặn thận trong tiền sử. Sỏi thận hiện nay đều có thể phát hiện được qua siêu âm, chụp phim X-quang như KUB, MSCT với độ chính xác cao.
2. Ung thư thận: Tiểu ra máu xuất hiện trong 70% trường hợp ung thư thận. Triệu chứng thường thấy là mức độ tiểu ra máu nặng, nhiều, không gây đau, có thể sờ thấy thận ở vùng hố thắt lưng 2 bên do thận to. Kết quả chụp UIV hay MSCT cho thấy vị trí và kích thuớc bướu, độ xâm lấn của bướu,thiếu một hay nhiều đài thận hoặc biến dạng đài - bể thận.
3. Viêm thận - bể thận: Triệu chứng sốt cao, lạnh run, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, đau vùng thắt lưng, vùng dưới rốn. Ngoài ra còn có thể liên quan đến bệnh sán máng gây tổn thương thận, bệnh thận IgA hoặc hội chứng Alport.
4. Thận đa nang: Người bệnh sẽ cảm thấy đau ở hố thắt lưng, tiểu ra máu, tiểu ra mủ, nồng độ ure huyết cao, phát hiện khối u vùng hố thận khi thăm khám. Kết quả chụp MSCT ghi nhận hình ảnh nang thận và cấu trúc trong nang, có thể có dấu hiệu xuất huyết trong nang.
5. Viêm cầu thận cấp: Thường gắn với tiểu máu vi thể. Trước đó bệnh nhân thường có dấu hiệu nhiễm trùng da, hầu họng, đi kèm với sốt, đau ở 2 bên vùng thắt lưng.
6 . Nhồi máu thận: Bệnh nhân đột ngột đau vùng thắt lưng 1 bên, tiểu ít, có khả năng có bệnh lý tim mạch, mạch máu chi dưới đi kèm.
7. Lao thận: Thường ứng với tình trạng tiểu máu vi thể. Lao thận thường đi kèm với tổn thương viêm bàng quang. Triệu chứng dễ thấy là tiểu ra máu cuối dòng, tiểu mủ, hay đi tiểu lắt nhắt, són tiểu, đau sau khi đi tiểu. Kết quả chụp UIV/MSCT có cản quang cho thấy đài thận bị cắt cụt, xét nghiệm nước tiểu có thể thấy có trực khuẩn lao.
8. Do chấn thương (chấn thương thận, chấn thương niệu quản, chấn thương bàng quang, chấn thương vùng chậu hay vùng thắt lưng).
Tình trạng tiểu ra máu cũng có thể xuất hiện sau khi vận động mạnh như bơi lội, chạy, đá bóng, đấm bốc... gây chấn thương. Tuy nhiên tình trạng này không kéo dài lâu và dần hồi phục như bình thường từ 24 - 48 giờ.
Nguyên nhân có thể gây lầm lẫn với tiểu máu
Ngoài ra, sẽ có một số trường hợp nước tiểu có màu đỏ nhưng không phải làtiểu máu, có thể do thường xuyên ăn một số thức ăn có nhuộm phẩm màu hoặc thức ăn tự nhiên có màu đỏ sẩm như củ dền, củ cải đường, quả mâm xôi... đây là những tác nhân được đánh giá là vô hại. Sử dụng một số thuốc gây đỏ nước tiểu như kháng sinh(Rifampicin (trong điều trị lao), Metronidazol...). Phụ nữ đang có chu kỳ kinh nguyệt khi đi tiểu có thể lẫn máu; tiểu ra máu sau quan hệ hay trong khi quan hệ có thể do quan hệ chưa đúng cách khiến tổn thương, xây xát niệu đạo, lúc này máu xuất hiện ở đường âm đạo nữ giới. Ở nam giới, khi xuất tinh bị ra máu, dẫn đến đi tiểu sau này có lẫn chút máu, chứ không phải đi tiểu ra máu.
Các xét nghiệm khảo sát
Tiểu máu là triệu chứng không hiếm gặp của các rối loạn sinh lý hay bệnh lý đường tiết niệu. Có thể vô hại, tự khỏi và cũng có thể gợi ý cho các nguyên nhân ác tính, cần được khảo sát và có kế hoạch điều trị chuẩn xác và kịp thời. Khi nghi ngờ có tiểu máu, người bệnh nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được tư vấn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị đúng đắn.
Có những trường hợp cần phải áp dụng nhiều biện pháp xét nghiệm phối hợp để chẩn đoán và tìm ra hướng điều trị cụ thể. Các phương pháp phổ biến: Xét nghiệm nước tiểu (gồm tổng phân tích nước tiểu, soi tươi nước tiểu tìm tế bào ác tính; cấy nước tiểu và định lượng đạm niệu/24 giờ); thăm dò hình ảnh bằng phương pháp siêu âm, chụp X-quang bụng không sửa soạn, chụp bể thận-niệu quản ngược chiều có bơm thuốc cản quang (UPR), chụp thận đồ có tiêm thuốc cản quang (UIV), chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt (MSCT); chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) thận hay nội soi đường tiết niệu như soi bàng quang, soi niệu quản.
Theo suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389