Viêm kết mạc là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng). Đa số bệnh viêm kết mạc là do vi khuẩn gây ra.
Trong khi đó, viêm kết mạc mùa xuân lại là một dạng viêm do dị ứng, thường xảy ra vào mùa xuân, thời điểm này hoa nở rộ và phấn hoa là nguyên nhân chính gây ra dị ứng. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trẻ, đặc biệt là từ 5-20 tuổi (rất hiếm khi bệnh gặp ở người lớn tuổi).
Nguyên nhân và cơ chế bệnh
Bệnh viêm kết mạc dị ứng xảy ra do phản ứng của cơ thể với dị nguyên, như phấn hoa, lông thú nuôi... Dị nguyên là những chất có tính kháng nguyên, khi xâm nhập cơ thể có các yếu tố cơ địa dị ứng sẽ sinh ra các kháng thể và các phản ứng quá mẫn cảm, biểu hiện bệnh lý ở một hay nhiều cơ quan.
Khi có dấu hiệu bất thường ở mắt, cần đi khám để điều trị kịp thời.
Bệnh xảy ra ở trên người có cơ địa dị ứng, nên bệnh nhân bị viêm kết mạc mùa xuân thường có thêm các bệnh viêm phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da cơ địa... Khi bị dị ứng, mắt của người bệnh trở nên nhạy cảm quá mức với lông thú nuôi, bụi…được xem là chất vô hại đối với mắt người bình thường, nhưng đối với mắt bệnh, mắt sẽ tiết ra rất nhiều nước và dịch nhầy. Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi…) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù…
Bệnh nhân cảm thấy đau, ngứa mắt; đỏ mắt; cảm giác nóng rát trong mắt; chảy nước mắt thường xuyên; sưng mắt, mi mắt phù nề, chảy dịch nhầy trắng; nhạy cảm với ánh sáng; nhìn mờ.
Ðiều trị viêm kết mạc mùa xuân
Bệnh viêm kết mạc mùa xuân cần điều trị kiên trì. Có rất nhiều thuốc uống và thuốc nhỏ mắt đáp ứng rất tốt với bệnh viêm kết mạc mùa xuân, nhưng người bệnh không nên tự ý mua thuốc dùng mà cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Khi đi khám, người bệnh cần nêu rõ tiền sử dị ứng của mình để bác sĩ có thể chẩn đoán về dị nguyên và kê thuốc phù hợp.
Bệnh hay tái phát, nhưng người bệnh không nên chủ quan tự sử dụng theo đơn thuốc cũ. Vì cùng một bệnh nhưng ở mỗi thời điểm có thể sẽ phải dùng những loại thuốc khác nhau tùy mức độ viêm. Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với dị nguyên để không tái phát bệnh.
Chú ý, việc dùng kéo dài một số loại thuốc kháng viêm, kháng sinh (ví dụ như thuốc có thành phần corticoid…) sẽ gây những tác dụng phụ ở mắt. Trường hợp bệnh nặng đã có biến chứng vào giác mạc, cần phải điều trị lâu dài và đúng cách dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.
Khi bị viêm kết mạc dị ứng, tránh day dụi mắt vì có thể khiến mắt bị viêm nặng hơn, thậm chí có thể gây xước giác mạc ảnh hưởng đến thị lực.
Khi có biểu hiện bệnh, cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Phòng bệnh thế nào?
Bệnh viêm kết mạc mùa xuân không thể tránh hoàn toàn được nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế việc làm bùng phát bệnh bằng các lưu ý sau: Nếu có cơ địa dị ứng cần hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên có thể gây dị ứng . Vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không đưa tay bẩn dụi lên mắt. Vệ sinh nhà cửa, vị trí làm việc sạch sẽ để hạn chế bụi. Không cắm, trồng quá nhiều hoa trong nhà, nhất là trong thời gian đang xảy ra dị ứng thì nên cách ly với phấn hoa. Nên đeo kính khi đi đường để hạn chế bụi bay vào mắt. Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Viêm kết mạc mùa xuân gây ra nhiều khó khăn cho người bênh, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Do vậy việc điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ là cần thiết để làm giảm những khó chịu tại mắt, nhanh khỏi và tránh gây ra các biến chứng không đáng có.
Theo suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389