Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành huyết khối nên thường được chỉ định trong phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh như nhồi máu cơ tim, đột qụy,…
Tuy nhiên trong quá trình điều trị, không ít trường hợp bệnh nhân quên uống thuốc hoặc tự ý bỏ, dừng thuốc dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Các ca bệnh điển hình
Mới đây, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nam 60 tuổi nhập viện trong tình trạng nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn. Qua tìm hiểu được biết, trước đó 6 tháng, bệnh nhân có đi kiểm tra sức khỏe phát hiện bị loạn nhịp tim. Để phòng ngừa các biến cố tim mạch và đột quỵ não, bác sĩ đã kê thuốc sintrom - một loại thuốc chống đông máu và dặn người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị đồng thời phải tái khám thường xuyên để đạt mục tiêu điều trị. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, một người bạn khuyên bệnh nhân nên bỏ thuốc vì cho rằng nếu bị chảy máu thì khó cầm do thuốc làm máu loãng. Sợ hãi nên ông ngừng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Tuy đã được các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ và Điện quang Bạch Mai điều trị tối đa, gồm: lấy huyết khối cơ học, tập phục hồi chức năng... Tuy nhiên, do tổn thương não quá lớn, kèm với bệnh tim phức tạp, nên cơ hội phục hồi của người bệnh chỉ được phần nào.
Còn trước đó, tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 69 tuổi, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người phải, rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp, chụp cắt lớp vi tính dựng mạch máu não phát hiện tắc động mạch não giữa bên trái. Các bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp nhồi máu não cấp do huyết khối từ tim. Qua tìm hiểu được biết, bệnh nhân có tiền sử rung nhĩ, thay van 2 lá cơ học trước đó 5 năm và đang điều trị thuốc chống đông đường uống. Tuy nhiên. theo người nhà bệnh nhân, thời gian gần đây, bệnh nhân nghe theo lời bạn bè giới thiệu, có tập một “giáo phái lạ” nên đã tự ý bỏ không uống thuốc khoảng 1 tuần nay. Vì tin rằng, tập rồi thì không phải uống thuốc gì bệnh cũng sẽ tự khỏi.
Có thể nói từ 2 trường hợp kể trên không phải là những trường hợp hiếm gặp tại các khoa cấp cứu của các Trung tâm Chống đột quỵ các bệnh viện thuộc tuyến Trung ương.
Không tuân thủ dùng thuốc có thể dẫn tới đột quỵ nguy hiểm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Vai trò của thuốc chống đông máu là có tác dụng ngăn chặn sự hình thành huyết khối. Thực tế lâm sàng hiện nay có 3 nhóm thuốc chống đông máu chính được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa các bệnh do đông máu gây ra, gồm: nhóm các heparin không phân đoạn (UFH) và trọng lượng phân tử thấp (LMWH); nhóm wafarin và các thuốc chống đông máu kháng vitamin K; nhóm các thuốc chống kết tập tiểu cầu. Thuốc được chỉ định trong phòng ngừa và điều trị các bệnh lý do sự hình thành huyết khối gây ra như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch phổi, rung tâm nhĩ… Tuy nhiên, các thuốc chống đông máu đều là những thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần lưu ý:
Có nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc chống đông. Vì vậy không tự động uống hoặc ngừng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.
Khi đi khám các bệnh lý khác, hay phải nhổ răng, mua thuốc, cần thông báo rõ cho bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, loại thuốc chống đông máu mình hiện đang sử dụng.
Nếu có biểu hiện lâm sàng đột quỵ cần ngay lập tức đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí. Bởi đột quỵ nhồi máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng tàn tật nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho gia đình và toàn xã hội.
Theo suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389