Thoái hóa khớp thường gặp ở người trên 50 tuổi, biểu hiện lâm sàng là đau lưng, đau gối, đau háng. Đau tăng lên khi vận động, đứng lên, ngồi xổm, đi lại...Đây là bệnh liên quan chặt chẽ với độ tuổi gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe.
Thoái hóa khớp thường biểu hiện ở vị trí nào?
- Cột sống: Phần lớn bệnh nhân lớn tuổi có đau lưng, nếu chụp X-quang đều có các dấu hiệu của thoái hóa như mọc gai, hẹp đĩa đệm...;
- Thoái hóa khớp gối: Thường gặp ở nữ trên 50 tuổi, những dấu hiệu thường gặp là đau khi đi lại nhiều lần, khi lên xuống cầu thang, ngồi xổm cảm thấy rất khó, nghe có tiếng lắc rắc ở khớp, tình trạng này ngày càng tăng, đôi khi khớp có kèm sưng nóng và có dịch;
- Thoái hoá khớp háng: Bệnh hoại tử chỏm xương đùi thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, có nguyên nhân chính là do uống nhiều rượu, đau và hạn chế vận động khớp háng ở các tư thế, nhất là dạng chân và bước lên cao.
Khi bị thoái hóa khớp mà không phát hiện sớm để điều trị thì rất dễ dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, làm hạn chế vận động, đôi khi làm cứng khớp.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở người cao tuổi đó là: Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương.
Ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi như: di truyền, tình trạng béo phì, có các vi chấn thương xảy ra thường xuyên ở khớp.
Thoái hóa khớp còn có thể là hậu quả của các bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hoặc trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn thể thao…
Các triệu chứng của thoái hoá khớp
Triệu chứng sớm nhất của bệnh là đau khi vận động, mới đầu chỉ đau khi khớp hoạt động, nghỉ sẽ hết đau; sau đó có thể đau âm ỉ liên tục và đau trội hẳn lên khi vận động.
Nếu thoái hóa khớp háng, người bệnh đau ở vùng bẹn, vùng trước trong đùi, có thể đau cả vùng mông lan xuống mặt sau đùi.
Nếu thoái hóa khớp gối, người bệnh đau nhiều khi đi lại, đứng lên ngồi xuống khó khăn, nhất là lúc lên xuống thang gác hoặc đang ngồi xổm đứng lên, có khi đau quá bị khụy xuống đột ngột.
Nếu thoái hóa cột sống thắt lưng, người bệnh bị đau âm ỉ ở vùng thắt lưng và thường đau trội lên về chiều sau một ngày làm việc phải đứng nhiều hay lao động nặng, lúc nằm nghỉ đau sẽ giảm. Khi đau, bệnh nhân làm các động tác cúi, nghiêng, ngửa hoặc xoay người rất khó khăn.
Sau triệu chứng đau là tình trạng hạn chế vận động. Nếu bị thoái hóa khớp háng, người bệnh đi khập khiễng, giạng háng khó khăn, khó gập đùi vào bụng.
Nếu bị thoái hóa khớp gối, các động tác gấp và duỗi thẳng chân bị hạn chế, đứng lên ngồi xuống khó khăn, có thể thấy tiếng lắc rắc khi vận động khớp.
Nếu bị thoái hóa khớp vai sẽ hạn chế các động tác đưa tay ra trước, ra sau, quay tay và không làm được một số động tác đơn giản như gãi lưng, chải đầu...
Thoái hóa khớp gây khó khăn trong sinh hoạt ở người cao tuổi
Ngoài hai triệu chứng chính là đau và hạn chế vận động, người bệnh có thể bị teo cơ, nhất là các chi.
Khi đến thăm khám bác sĩ thường cho chụp X-quang xương khớp để phát hiện các tổn thương thoái hóa khớp như: hẹp khe khớp, gai xương ở rìa, đặc xương dưới sụn, …. Ngoài ra các bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch) hoặc xét nghiệm dịch khớp, chụp cộng hưởng từ khớp, siêu âm khớp để giúp khẳng định chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác của khớp như: viêm khớp dạng thấp; gout; viêm cột sống dính khớp; viêm khớp phản ứng, lao khớp ….
Phòng và điều trị thoái hóa khớp
Để phòng bệnh thoái hóa khớp, người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện…). Nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi… hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức. Chú ý kiểm tra thường xuyên để hạn chế các ảnh hưởng quá mức đối với các khớp liên quan. Tránh các tư thế xấu như ngồi còng lưng.
Tập dưỡng sinh và luyện thở: Tập dưỡng sinh có rất nhiều động tác ảnh hưởng đến cột sống như ưỡn người, vặn cột sống, chào mặt trời...khi thực hiện các động tác này cần phải được kết hợp với phương pháp hít thở sâu thì tuần hoàn mới được tăng cường, giúp khí huyết lưu thông sẽ đỡ đau.
Người cao tuổi nên tập luyện phù hợp với sức khỏe.
Dinh dưỡng hợp lý: Tránh tình trạng béo phì. Tiết giảm các chất béo (dầu, mỡ các loại), chất ngọt như kẹo, bánh, chè, mứt, trái cây quá chín ngọt như xoài, nhãn, vải, các loại thức uống ngọt. Rượu và thuốc lá có thể gây bệnh cho khớp háng (hoại tử đầu xương đùi) rất nguy hiểm. Bảo đảm bổ sung những chất chống lão hóa như vitamin E, A, (dầu thực vật, các loại đậu hạt, ngũ cốc), canxi có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, nghêu, sò, ốc, hàu... ; Vitamin C (cam, quýt, bưởi, dâu tây, ớt, cà chua...), các khoáng chất vi lượng như selenium, kẽm, magnesium..
Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp.
Y học hiện đại ngày nay đã nghiên cứu ra rất nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân thoái hóa khớp như: Tiêm nội khớp huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm nội khớp tê bào gốc từ mô mỡ tự thân hay phẫu thuật thay khớp (thường là khớp háng và khớp gối) trong trường hợp thoái hóa nặng và mất chức năng của khớp.
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389