Cảm giác châm chích, ngứa ran, tê bì... như “có kiến bò” ở chân, tay là một cảm giác khá khó chịu. Tuy nhiên, có 4 cách đơn giản để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu này chỉ trong vài phút.
Nguyên nhân gây tê tay chân
Các triệu chứng tê tay chân thường xảy ra khi bạn ngồi hay giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Ví dụ như lái xe đường dài, ngồi trong rạp chiếu phim, ngồi thiền hoặc ngồi lâu tại văn phòng,... gây tê bàn chân và cẳng chân. Cũng có thể bạn nằm ngủ với đầu kê trên tay sẽ khiến cho máu không lưu thông và dẫn đến tê tay. Cảm giác khó chịu này được đặc trưng bởi cảm giác tê và có châm chích nhẹ giống như côn trùng nhỏ bò dưới da của bạn, thường được gọi là cảm giác "kiến bò". Hoặc bạn có thể cảm thấy ngứa ran khu vực bị tê, như thể bạn đang bị nhiều mũi kim nhỏ châm vào.
Theo y học, hiện tượng này còn được gọi là "dị cảm". Nguyên nhân của hiện tượng này có liên quan đến sự chèn ép, kích thích hoặc tổn thương một hoặc nhiều dây thần kinh. Vị trí của cơ thể không tốt sẽ gây ra sự chèn ép của một hoặc nhiều mạch (động mạch hoặc tĩnh mạch) vận chuyển và tuần hoàn máu. Sự chèn ép sẽ gây áp lực lên dây thần kinh và làm giảm lưu lượng máu khiến quá trình lưu thông máu chậm lại.
Để tránh bất kỳ sự suy giảm nào trong việc cung cấp oxy cho các mô, hệ thống thần kinh sẽ truyền một thông điệp kích hoạt tình trạng tê ở chi bị ảnh hưởng để cảnh báo và khuyến khích nó thay đổi vị trí. Sau khi thay đổi vị trí, lưu thông máu được phục hồi. Sau đó, não bộ sẽ gửi các tín hiệu trái ngược nhau dẫn đến cảm giác ngứa ran.
Những dấu hiệu này thường thoáng qua và vô hại. Tuy nhiên, cũng không nên coi thường và bỏ qua chúng, nhất là nếu chúng diễn ra thường xuyên và kéo dài liên tục vì chúng có thể cảnh báo những bệnh lý nghiêm trọng hơn. Đó có thể là biểu hiện đầu tiên của hội chứng ống cổ tay, bệnh co cơ, bệnh thần kinh hoặc mạch máu, hạ đường huyết, đái tháo đường, thiếu vitamin B12, kali hoặc canxi và một số rối loạn khác.
Làm thế nào để hết tê tay chân?
Thông thường, khi bị tê tay chân, bạn thường ngay lập tức thay đổi tư thế ngồi hoặc nằm của mình. Cũng có thể lắc phần cơ thể bị tê để kích hoạt phản xạ của các cơ. Tuy nhiên, có 5 mẹo sau đây bạn nên tham khảo có thể nhanh chóng làm giảm cảm giác khó chịu này.
Kéo căng phần chi bị tê
Để xoa dịu và giảm cảm giác tê và ngứa ran ở bàn tay, chân, cánh tay hoặc bàn chân, hãy kéo căng và nâng cao phần cơ thể bị ảnh hưởng. Mục đích giúp cải thiện lưu thông máu và giảm triệu chứng khó chịu trong vài phút.
Massage cũng là một giải pháp đơn giản
Một giải pháp khác cũng khá đơn giản giúp hồi sinh và kích thích tuần hoàn máu, dây thần kinh và cơ bắp bằng cách massage. Trộn một thìa dầu oliu nóng, dầu dừa hoặc dầu mù tạt vào lòng bàn tay và massage nhẹ nhàng theo các chuyển động tuần hoàn trong ít nhất 5 phút.
Có thể sử dụng gia vị để "giải cứu" bạn
Đối với nghệ, bạn có thể thêm một thìa cà phê bột nghệ vào một cốc sữa nóng. Sau đó thêm mật ong, uống hỗn hợp này mỗi ngày 1 lần.
Đối với quế, trộn một muỗng cà phê bột quế trong một cốc nước ấm và uống hỗn hợp này mỗi ngày 1 lần.
Uống 1 cốc nước bột quế hoặc bột nghệ mỗi ngày giúp tăng cường tuần hoàn, giảm hiện tượng tê bì chân tay.
Nhiệt làm giảm hiện tượng tê bì chân tay
Đôi khi các cơ bị cứng, đau hoặc căng có thể gây áp lực lên dây thần kinh và gây tê tay chân. Sử dụng nhiệt để giúp nới lỏng các cơ. Hơi nóng sẽ kích thích tuần hoàn máu làm thư giãn các cơ. Dùng găng tay ngâm trong nước nóng để xoa bóp, ngâm chân với nước nóng hoặc sử dụng vòi hoa sen hoặc ngâm mình trong bồn tắm nước nóng sẽ giúp giảm đau. Tuy nhiên, tránh để các vùng cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao vì có thể làm nặng hơn tình trạng viêm và càng gây tê hơn.
Ngoài những mẹo trên, để đối phó với chứng tê tay chân, bạn nên vận động nhiều hơn. Lười vận động có thể làm suy yếu tim và mạch máu, giảm khả năng bơm máu đến các chi dưới. Các bài tập như yoga, Pilates và thái cực quyền có thể thúc đẩy lưu lượng máu và giảm viêm hoặc đau mạn tính. Tập luyện thường xuyên giúp bạn tăng cường sức mạnh cơ bắp và tăng tuần hoàn.
Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cũng có thể hạn chế tình trạng tê bì. Vì thiếu hụt vitamin B12 có thể tổn thương thần kinh dẫn đến hiện tượng tê bì.
Ngủ đủ giấc, tinh thần thoải mái cũng là một yếu tố quan trọng. Vì căng thẳng cũng có xu hướng làm cho các triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh trung ương tiến triển hơn.
Theo Suckhoedoisong
Pk Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389