Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến. Nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày.
Loét dạ dày - tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương. Biểu hiện là những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc, gây ra những cơn đau bụng âm ỉ, ợ hơi, ợ chua khó chịu cho bệnh nhân.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng rất đa dạng, thường gặp nhất là các yếu tố sau:
- Chế độ ăn uống không hợp lý:
+ Bệnh nhân lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe;
+ Ăn đồ quá cay nóng, chiên xào;
+ Ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ… là những nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Sinh hoạt không điều độ: Ngủ không đủ giấc, thức quá khuya… cũng có thể gây nên tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Lạm dụng quá nhiều thuốc: Lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc nhiễm kim loại nặng khiến niêm mạc dạ dày, tá tràng tổn thương và dẫn đến tình trạng loét dạ dày - tá tràng.
- Nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây nên các tổn thương nghiêm trọng ở dạ dày và tá tràng.
- Một số nguyên nhân khác như stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài cũng được coi là yếu tố thuận lợi gây viêm loét dạ dày - tá tràng.
Triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng
Khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng bệnh nhân thường có các triệu chứng sau:
- Đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị: Đây là triệu chứng thường gặp nhất trong loét dạ dày - tá tràng. Cảm giác này xảy ra ngay sau khi ăn trong loét dạ dày và 2-3 giờ sau bữa ăn trong loét tá tràng. Cơn đau thường dữ dội hơn vào ban đêm và gần sáng do dạ dày vẫn co bóp, bài tiết dịch vị khi thức ăn đã được tiêu hóa hết gây kích thích niêm mạc dạ dày.
- Ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, cảm giác chướng căng tức bụng vùng trên rốn khiến bệnh nhân không có cảm giác thèm ăn, mệt mỏi. Tiết nhiều nước bọt, ợ nóng, khó chịu vùng ngực, sau xương ức
- Buồn nôn, nôn: Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn. Sau khi nôn bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn nếu ổ loét gây hẹp môn vị (hẹp đường xuống, làm thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày). Có thể gặp nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen (như bã cà phê) do chảy máu ổ loét.
Bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng thường bị đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị.
Viêm loét dạ dày - tá tràng có nguy hiểm không?
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá - tràng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư dạ dày. Một số biến chứng thường gặp là:
- Hẹp môn vị: Thường gặp ở loét hành tá tràng. Ổ loét xơ chai gây chít hẹp đường xuống của thức ăn từ dạ dày. Biểu hiện khi bị hẹp môn vị là đầy hơi, đau bụng sau bữa ăn, chướng bụng. Đặc biệt là nôn ra thức ăn ngày hôm trước do thức ăn bị giữ lại ở dạ dày không qua được lỗ môn vị để xuống ruột.
- Chảy máu ổ loét dạ dày, tá tràng: Ổ loét ăn sâu vào thành dạ dày, tá tràng làm thủng các mạch máu gây ra tình trạng chảy máu. Triệu chứng thường gặp là nôn ra máu, ỉa phân đen, mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí choáng ngất do mất máu nhiều. Đây là một cấp nặng, nếu không chẩn đoán, điều trị sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
- Thủng ổ loét: Ổ loét ăn thủng thành dạ dày, tá tràng làm chảy dịch tiêu hoá vào trong ổ bụng gây nên tình trạng viêm phúc mạc cần phải mổ cấp cứu sớm. Nếu đến muộn người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Triệu chứng điển hình là bệnh nhân đau đột ngột, dữ dội vùng trên rốn, sau đau lan ra khắp bụng. Sờ bụng thấy bụng luôn co cứng, ấn đau.
- Biến chứng ung thư hoá: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, nhiều khi bệnh được chẩn đoán muộn, do đó kết quả điều trị thường không tốt.
Viêm loét dạ dày tá - tràng gây biến chứng chảy máu dạ dày.
Làm sao để chẩn đoán chính xác viêm loét dạ dày - tá tràng?
Để điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày - tá tràng cần biết tình trạng viêm loét, các biến chứng của viêm loét cũng như tình trạng nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày. Để có chẩn đoán chính xác thì ngoài các triệu chứng có được qua thăm khám trên bệnh nhân, thầy thuốc cần thực hiện nội soi dạ dày tá tràng và xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori.
1. Nội soi dạ dày - tá tràng
Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loét dạ dày - tá tràng vì nó là phương pháp trực tiếp và chính xác nhất. Qua nội soi có thể cung cấp cho bác sĩ nhiều thông tin về tình trạng bệnh của dạ dày, tá tràng, thực quản:
+ Mô tả hình ảnh nội soi của ổ loét: vị trí, số lượng ổ loét, kích thước, hình dạng, màu sắc, đáy ổ loét, rìa ổ loét (niêm mạc xung quanh ổ loét).
+ Sinh thiết dạ dày tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP). Sinh thiết ổ loét làm mô bệnh học nếu nghi ngờ ung thư, đặc biệt là các trường hợp loét ở dạ dày.
+ Phát hiện các tổn thương phối hợp: Viêm thực quản trào ngược, thoát vị hoành, u dưới niêm mạc thực quản, polyp dạ dày…
+ Đặc biệt qua nội soi còn giúp điều trị một số bệnh lý dạ dày, thực quản: cắt polyp qua nội soi, tiêm xơ cầm máu qua nội soi (trong trường hợp chảy máu ổ loét), bóc u dưới niêm mạc qua nội soi…
Nội soi chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràng.
2. Xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori
Chẩn đoán có hay không có vi khuẩn HP trong dạ dày giúp thầy thuốc chọn lựa phác đồ thuốc điều trị cho người bệnh.
Có nhiều phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn, việc lựa chọn phương pháp nào tuỳ thuộc vào điều kiện của từng cơ sở y tế, yêu cầu của thầy thuốc cũng như tình trạng của bệnh nhân.
Một số phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn HP thường được sử dụng là:
Nội soi sinh thiết dạ dày tìm vi khuẩn HP (thông qua xét nghiệm Clo Test hoặc thực hiện nuôi cấy vi khuẩn trên mảnh dạ dày sinh thiết)
+ Test vi khuẩn HP bằng hơi thở (Urea Breath Test).
+ Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP.
+ Xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn HP.
Các phương pháp điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng
Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng bao gồm điều thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
1. Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp như: ăn thức ăn mềm, chia thành nhiều bữa, ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, tránh các chất kích thích, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Đi ngủ sớm, tập thể dục đều đặn, tránh lo âu, căng thẳng…
2. Chế độ thuốc
Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày - hành tá tràng bao gồm:
+ Nhóm kháng axit: Tác dụng của nhóm kháng axit (Antacid) là trung hòa axit trong dạ dày và tá tràng nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết dịch vị ở hai bộ phận này. Nhóm thuốc kháng axit chứa nhôm, kali và magie hydroxit. Thường được uống sau khi ăn khoảng 1 giờ.
+ Nhóm chẹn H2: Thuốc ức chế H2 còn được gọi là thuốc chẹn H2. Tác dụng của nó là giảm hoạt động tiết axit của dạ dày và tá tràng. Thuốc chẹn H2 được dùng ở dạng tiêm tĩnh mạch hoặc uống.
+ Nhóm PPI ( Nhóm ức chế bơm Proton)
+ Nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày: Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc, chống lại acid dạ dày.
+ Kháng sinh diệt HP: Một số nhóm kháng sinh thường được sử dụng để diệt vi khuẩn HP
3. Cần lưu ý: Vấn đề lựa chọn loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh khác nhau của từng bệnh nhân. Do đó bệnh nhân cần khám bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ phù hợp, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị.
Phòng tránh viêm loét dạ dày - tá tràng
Để phòng ngừa viêm loét dạ dày - tá tràng, chúng ta cần xây dựng và thực hiện một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học.
1. Chế độ dinh dưỡng
- Hạn chế thức ăn làm thay đổi môi trường PH dạ dày như các thức ăn có vị cay, chua, gia vị tiêu, giấm, ớt, tỏi…;
- Hạn chế yếu tố tăng tiết dịch vị như thức ăn giàu béo, cà phê, trà đặc, rượu, đồ uống có gas, thức ăn muối chua, nhiều muối…
- Nên ăn thức ăn nấu mềm, chín, giàu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho niêm mạc ruột như: Sữa, cháo, súp hay các món hầm mềm, ninh. Tránh ăn thực phẩm thô cứng, nhiều xơ, gân…
- Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm. Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức ngay.
- Nên ăn nhiều bữa trong ngày. Không ăn no quá hay để đói quá. Ăn nhẹ, bữa cuối cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Không ăn khuya quá tránh dạ dày hoạt động quá tải về đêm..
Hạn chế thức ăn cay nóng để phòng ngừa viêm loét dạ dày - tá tràng.
2. Điều chỉnh lối sống hợp lý
- Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh suy nghĩ căng thẳng, stress.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá.
- Sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể thấy rằng viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh lý có thể gây các biến chứng nặng nề, nguy hiểm nếu không điều trị sớm. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc viêm loét dạ dày - tá tràng cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Theo Suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389