Một số bệnh nhân hẹp ống sống không biểu hiện triệu chứng. Số khác có thể thấy đau, tê bì, châm chích và yếu cơ. Những triệu chứng này có thể xấu đi theo thời gian. Bài viết của PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, BV Việt Đức cung cấp các thông tin quan trọng.
1. Hẹp ống sống thường xảy ra ở vùng lưng dưới và vùng cổ
Hẹp ống sống là tình trạng hẹp các khoảng không trong cột sống, có thể gây chèn ép các sợi thần kinh đi từ cột sống. Hẹp ống sống thường xảy ra hơn cả ở vùng lưng dưới và vùng cổ.
Một số bệnh nhân hẹp ống sống không biểu hiện triệu chứng. Số khác có thể thấy đau, tê bì, châm chích và yếu cơ. Những triệu chứng này có thể xấu đi theo thời gian.
Hẹp ống sống chủ yếu gây ra bởi hiện tượng rách và mài mòn trong cột sống do viêm xương khớp. Trong trường hợp hẹp nặng, thầy thuốc có thể phải đề xuất phẫu thuật nhằm mở rộng khoảng không cho tủy sống hay các dây thần kinh.
Hẹp ống sống thường xảy ra cả ở vùng lưng dưới và vùng cổ
2. Phân loại hẹp ống sống
Hẹp ống sống được phân loại theo vị trí xảy ra, một bệnh nhân có thể mắc một hay nhiều chỗ hẹp. Hai loại hẹp ống sống chính gồm:
- Hẹp ống sống cổ: tức vùng hẹp xuất hiện ở ngang mức cổ.
- Hẹp ống sống thắt lưng: vùng hẹp xuất hiện ngang mức lưng dưới. Đây cũng là kiểu hẹp ống sống thường gặp nhất.
3. Khi nào cần đi khám?
Nhiều bệnh nhân không cảm thấy triệu chứng nào nhưng khi chụp trên film CT/MRI lại cho thấy bị hẹp ống sống. Khi cảm nhận thấy các triệu chứng, thường là bệnh sẽ dần trở nặng theo thời gian. Các triệu chứng có thể rất khác nhau tùy theo vị trí hẹp và các dây thần kinh bị ảnh hưởng. Vì vậy, khi thấy có các triệu chứng dưới đây nên đi khám ngay.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa.
- Hẹp vùng cổ (hẹp ống sống cổ):
- Tê bì, châm chích một bàn tay, cánh tay, bàn chân, hoặc cẳng chân.
- Yếu vận động một bàn tay, cánh tay, bàn chân, hoặc cẳng chân.
- Khó đi lại, khó giữ thăng bằng
- Đau cổ
- Trường hợp nặng có rối loạn chức năng ruột/bàng quang (tiểu dầm, tiểu són)
- Hẹp vùng lưng dưới (cột sống thắt lưng):
- Tê bì, châm chích một bên bàn chân hay cẳng chân
- Yếu vận động một bên bàn chân hay cẳng chân
- Đau, chuột rút một hoặc cả hai chân sau khi đứng lâu hoặc sau đi lại. Đau giảm khi cúi về phía trước hoặc ngồi xuống.
Hình ảnh hẹp ống sống thắt lưng.
4. Nguyên nhân hẹp ống sống
Do thoát vị đĩa đệm và chồi xương: Xương cột sống chạy dài từ cổ xuống dưới thắt lưng. Các đốt sống của cột sống tạo một ống sống bên trong, giúp bảo vệ tủy sống (chứa các dây thần kinh). Một số người bẩm sinh đã có ống cột sống nhỏ. Tuy nhiên hầu hết hẹp ống sống xảy ra khi một bệnh lý làm thu hẹp khoảng không của ống sống trong cột sống.
Các nguyên nhân gây hẹp ống sống có thể là:
- Do sinh xương quá mức: Viêm xương khớp làm rách và mòn các mô ở cột sống; kích thích sinh các chồi xương, có thể mọc vào trong ống sống. Bệnh Paget là một bệnh lý xương thường xảy ra ở người lớn, cũng có thể gây sinh xương quá mức.
- Do dày dây chằng: Các dây chằng rắn chắc giúp giữ vị trí các đốt sống cũng có thể bị dày lên và cứng nhắc theo thời gian. Những dây chằng quá dày có thể chèn vào ống cột sống.
- Do các khối u: U có thể phát triển bất thường trong ống cột sống, trong các màng che phủ tủy sống, hoặc trong khoảng trống giữa tủy sống và đốt sống. Nhóm bệnh này ít gặp và thường được phát hiện khi chụp MRI hay CT.
- Do chấn thương cột sống: Tai nạn và nhiều chấn thương khác có thể gây gãy trật một hay nhiều đốt sống. Di lệch xương trong gãy đốt sống có thể làm tổn thương các thành phần trong ống cột sống. Sưng nề các mô lân cận ngay sau mổ cột sống cũng có thể chèn ép lên tủy sống hay các dây thần kinh.
5. Đối tượng hay bị hẹp ống sống
Hầu hết bệnh nhân hẹp ống sống trên 50 tuổi. Mặc dù thoái hóa có thể gây hẹp ống sống ở những bệnh nhân trẻ hơn, lúc đó cần xét nhiều yếu tố khác. Chúng bao gồm chấn thương, dị dạng cột sống bẩm sinh (như vẹo), bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến phát triển cơ xương toàn cơ thể. Chụp chiếu cột sống có thể giúp phân biệt các nguyên nhân này.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa khám cột sống cổ cho bệnh nhân.
6. Biến chứng do hẹp ống sống
Đôi khi, hẹp ống sống nặng không được điều trị có thể tăng nặng và gây hệ quả không hồi phục như:
- Tê bì
- Yếu vận động
- Rối loạn thăng bằng
- Són tiểu
- Yếu liệt
7. Chẩn đoán hình ảnh để phát hiện hẹp ống sống
Để chẩn đoán hẹp ống sống, thầy thuốc cần khai thác các triệu chứng, thảo luận về bệnh sử cũng như tiến hành thăm khám. Thầy thuốc cũng có thể yêu cầu chụp chiếu để làm rõ các dấu hiệu và triệu chứng.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cột sống cho thấy các thay đổi mô xương, ví dụ chồi xương làm hẹp khoang ống sống. Mỗi lần chụp X-quang đều có phơi nhiễm với ít phóng xạ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng nam châm mạnh và sóng vô tuyến để tạo ảnh mặt cắt của cột sống. Phương pháp này giúp phát hiện các tổn thương đĩa đệm và dây chằng, cũng như các tổ chức u nếu có. Quan trọng hơn cả, MRI giúp phát hiện vị trí tủy sống bị chèn ép.
- Chụp CT tủy sống: Nếu không có MRI, thầy thuốc có thể đề xuất chụp cắt lớp vi tính (CT), một phương pháp chụp kết hợp ảnh X-quang chụp từ nhiều góc độ để tạo ảnh mặt cắt lớp chi tiết của cơ thể.
Trong chụp tủy sống, CT được tiến hành sau khi tiêm thuốc cản quang. Thuốc cản quang tạo ảnh cột sống và các dây thần kinh, cũng như cho thấy thoát vị đĩa đệm, chồi xương và u.
Theo Suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389