Nấm lưỡi là bệnh rất phổ biến ở nhiều đối tượng. Bệnh do loại nấm men có tên là Candida albicans gây nên. Đặc biệt ở trẻ em, bệnh nấm lưỡi gây đau nhức, khó chịu, khiến trẻ hay quấy khóc, bỏ bú, ăn uống kém… Vậy dấu hiệu và cách điều trị nấm lưỡi như thế nào?
Nguyên nhân gây bệnh nấm lưỡi
Nấm Candida thường có trong khoang miệng, lẫn trong thức ăn hay từ không khí. Bình thường, nấm này không gây bệnh. Tuy nhiên, do một số yếu tố gây suy giảm miễn dịch hoặc mất cân bằng độ PH tại niêm mạc hay vệ sinh miệng không tốt tạo điều kiện cho nấm phát triển gây bệnh nấm lưỡi.
Nguyên nhân gây nấm lưỡi thường do sau ăn ít súc miệng ở các bé hoặc sau ăn kẹo ngọt.
Người lớn nếu vệ sinh răng miệng kém hoặc có thói quen hay ăn đêm không đánh răng làm cho môi trường miệng trở thành môi trường tốt cho sự phát triển của nấm.
TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy
2. Ai dễ bị bệnh nấm lưỡi?
Ở những người bị những bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch như HIV, lao, đái đường… là những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh nấm lưỡi.
Những bệnh nhân hay dùng thuốc corticoidthường xuyên, dùng kháng sinh kéo dài, bệnh nhân ung thư đang sử dụng hóa chất cũng là những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới sự phát triển của nấm.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp bị nấm lưỡi do:
- Hay bị khô lưỡi.
- Hay hút thuốc lá, hay uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích.
- Hay xịt các thuốc điều trị hen tại khoang miệng.
- Thiếu máu, các bệnh ung thư máu làm suy giảm dòng bạch cầu.
- Nấm lưỡi cũng có thể lây trực tiếp nên có thể lây khi hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng với những bệnh nhân bị nấm lưỡi, nấm âm đạo, nấm dương vật, nấm hậu môn…
- Phụ nữ có thai bị nấm âm đạo có thể lây nấm cho con trong khi sinh.
- Trẻ bị nấm khi bú có thể lây sang cho mẹ khi mẹ tiếp xúc cho con bú.
- Do môi trường cũng có thể chứa các bào tử nấm đang phát tán nên có thể tự nhiên bị nấm mà không do lây nhiễm.
Bệnh nấm lưỡi do nấm Candida albicans gây nên.
3. Triệu chứng của nấm lưỡi
Trong giai đoạn đầu, bệnh nấm lưỡi thường ít có biểu hiện. Thường bệnh nhân đôi khi có cảm giác nóng rát vùng lưỡi ở một số các vị trí khác nhau của lưỡi hoặc hơi ngứa nhẹ.
Tuy nhiên, sang giai đoạn sau, các triệu chứng xuất hiện ngày càng rõ rệt như:
- Trên lưỡi xuất hiện những mảng loang lổ màu trắng kem. Sau đó chuyển thành những mảng vàng như phomai, xanh, có khi gặp những mảng đen, hoại tử trong trường hợp nặng.
- Bệnh nhân cảm thấy đau nhức hoặc đau rát khi nuốt nước bọt. Đặc biệt khi ăn những đồ rắn, cay, nóng càng thấy đau rát hơn.
- Bệnh nhân khó nuốt, nhất là khó nuốt những thức ăn cứng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân hầu như không ăn uống được.
- Đôi khi bệnh nhân bị chảy máu lưỡi, đặc biệt là khi chạm dụng cụ khám vào lưỡi nên khi khám cần hết sức nhẹ nhàng tránh va chạm vào lưỡi.
- Có cảm giác khô lưỡi.
- Nấm lưỡi gây hôi miệng nên bệnh nhân thường mất tự tin khi giao tiếp, miệng lúc nào cũng có mùi hôi nên luôn che miệng.
- Khi ăn uống bệnh nhân thường không cảm nhận được vị giác, ăn không thấy ngon.
- Ở trẻ em bị nấm lưỡi, trẻ thường có biểu hiện:
+ Bỏ bú, khó ăn uống, quấy khóc liên tục.
+ Đầu lưỡi đỏ, lưỡi loang lổ như hình bản đồ.
+ Trẻ bú mẹ có thể làm mẹ bị nhiễm nấm gây đầu vú đỏ, ngứa, nứt, da bong trên đầu núm vú, đau rát mỗi khi cho con bú.
Trẻ bị bệnh nấm lưỡi thường bị đau nhức, khó chịu, quấy khóc, bỏ bú...
4. Chẩn đoán và điều trị nấm lưỡi
4.1 Chẩn đoán
Bệnh nấm lưỡi nếu không điều trị có thể gây nấm miệng, nấm thực quản, nấm toàn thân, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân cần được khám kỹ. Khi khám lưỡi thường thấy biểu hiện:
- Lưỡi thường bị nứt nẻ thành những vệt dài.
- Đầu lưỡi niêm mạc đỏ rực.
- Trên lưỡi thấy hình loang lổ từng mảng trắng hoặc vàng, xanh, có thể hoại tử những mảng đen.
Các xét nghiệm nấm lưỡi soi tươi và cấy nấm để định dạng nấm là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nấm lưỡi.
Xét nghiệm nấm lưỡi soi tươi và cấy nấm là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nấm lưỡi.
4.2 Điều trị bệnh nấm lưỡi ở trẻ nhỏ
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần lựa chọn dung dịch chống nấm có tính an toàn cao, vừa phải đảm bảo diệt nấm cho bé.
- Cách đánh tưa cho bé:
+ Bố mẹ rửa sạch tay trước khi làm.
+ Đặt bé nằm ngửa.
+ Sử dụng miếng gạc mềm, sạch, quấn quanh ngón trỏ nhúng vào dung dịch chống nấm nhẹ nhàng lau mặt lưỡi từ trong ra ngoài.
+ Nếu chưa sạch có thể sử dụng gạc khác lau nhẹ nhàng lại 1 lần nữa. Các động tác nhẹ nhàng, dứt khoát không được gây tổn thương cho trẻ và tránh làm trẻ bị sặc hoặc ngạt.
Sử dụng gạc mềm nhúng dung dịch chống nấm để lau lưỡi cho trẻ.
4.3 Điều trị bệnh nấm lưỡi ở trẻ lớn và người lớn
- Dùng thuốc súc miệng và xịt tại chỗ để chống nấm trong những trường hợp nhẹ.
- Những trường hợp nặng hơn hoặc điều trị tại chỗ không có kết quả thì cần sử dụng thuốc chống nấm toàn thân.
+ Liều dùng ban đầu là từ 7 đến 14 ngày.
+ Trong những trường hợp nặng hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như HIV… thì cần kéo dài vài tháng.
- Các thuốc có thể sử dụng:
+ Nystatin: Nystatin là loại thuốc có cấu trúc polyen. Thuốc này có tác dụng tốt trên nấm men Candida. Thuốc sử dụng cơ chế gắn sterol của màng tế bào nấm làm thay đổi tính thấm của chúng khiến các chất trong bào tương nấm bị thoát ra ngoài gây tổn thương làm giảm sự phát triển và tiêu diệt nấm.
Tác dụng phụ của thuốc là quá trình trên làm giải phóng chất canđium gây dị ứng, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy…
+ Miconazol: Miconazol là loại thuốc hoạt động dựa trên cơ chế ứ chế enzyme tổng hợp ergosterol, là thành phần quan trọng làm nên màng tế bào nấm. Từ đó ức chế sự phát triển và tiêu diệt nấm. Tuy nhiên thuốc này gây tác dụng phụ như viêm gan, dị ứng, tiêu chảy…
+ Fluconazol: Fluconazol là thuốc kháng nấm triazol tổng hợp qua cơ chế ức chế cyp P 450 14-anpha demethylase là men tổng hợp ergosterol-sterol, là chất chủ yếu ở màng tế bào nấm. Từ đó ức chế và tiêu diệt nấm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài…
+ Clotrimazol: Clotrimazol là thuốc kháng nấm thuộc nhóm imidazole tổng hợp có phổ rộng. Cơ chế hoạt động là liên kết với các phospholipid trên màng tế bào nấm, làm thay đổi tính thấm màng tế bào nấm. Từ đó gây mất chất nội dịch do đó tiêu diệt tế bào nấm. Thuốc có tác dụng phụ là nhức đầu, buồn nôn, dị ứng, tăng men gan, giảm bạch cầu.
+ Trường hợp nhiễm nấm nặng có thể sử dụng thuốc amphotericin B.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc chống nấm có nhiều tác dụng phụ do đó cần phải có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý dùng.
Ngoài ra cần bổ sung các thuốc tăng cường miễn dịch, vitamin, các chất vi chất để tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Điều trị các bệnh lý kết hợp như: đái tháo đường, HIV, các bệnh đường ruột, trào ngược dạ dày - thực quản…
5. Phòng ngừa nấm lưỡi như thế nào?
- Vệ sinh răng miệng tốt. Súc miệng thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý tạo độ ẩm và sự cân bằng cho hệ thống niêm mạc lưỡi.
Súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh nấm lưỡi.
- Không lạm dụng thuốc súc hoặc xịt họng sát khuẩn kéo dài.
- Cần bỏ có thói quen có hại như: hút thuốc, uống rượu, sử dụng các chất kích thích.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nên ăn thêm sữa chua để bổ sung các loại men tốt cho cơ thể đồng thời loại bỏ những men nấm gây bệnh.
- Nấm lưỡi có thể lây trực tiếp nên có nhiều đường lây đa dạng. Do đó cần tránh dùng chung các đồ vệ sinh cá nhân cũng như những tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân bị nấm lưỡi, nấm âm đạo, nấm hậu môn hay nấm men dương vật để phòng ngừa lây từ bạn tình bị mắc bệnh.
- Phụ nữ mang thai bị nấm âm đạo có thể lây cho con gây nấm lưỡi, nấm mắt... Vì vậy, trước khi mang thai cần điều trị nấm âm đạo để tránh lây bệnh cho con.
Theo Suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389