Liệt mặt sẽ mất khả năng điều khiển vận động các cơ mặt do dây thần kinh số VII bị tổn thương. Nhiều người liệt mặt chỉ nghĩ do trúng gió, phải cảm… nhưng trên thực tế, nếu mắc các bệnh lý ở tai cũng là một trong những nguyên nhân gây ra liệt mặt ngoại biên.
1.Vì sao mắc bệnh ở tai lại gây liệt mặt?
Dây thần kinh mặt (dây VII) nằm trong ống Fallope (ở tai) gồm 3 đoạn: Đoạn 1: Trong xương đá, đoạn 2: Ngang qua thành trong hòm nhĩ, đoạn 3: Trong xương chũm. Vì vậy, các bệnh lý ở tai là một trong những nguyên nhân gây ra liệt mặt ngoại biên.
Dây thần kinh số VII phụ trách vận động các cơ bám da mặt, cơ bám da cổ, xương bàn đạp ở tai giữa (dây VII). Dây VII chi phối hoạt động bài tiết của các tuyến nước mắt, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, tuyến niêm dịch của mũi và cũng nhận thêm vị giác ở hai phần ba trước lưỡi, cảm giác vòm miệng, cảm giác nông vùng ống tai ngoài và vùng da nhỏ phía sau vành tai.
Chính vì vậy nếu mắc bệnh lý nào đó ở tai cũng có thể là một nguyên nhân gây liệt mặt.
Nếu mắc bệnh lý nào đó ở tai cũng có thể là một nguyên nhân gây liệt mặt.
2. Nguyên nhân bệnh lý ở tai gây liệt mặt
Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, trong đó có viêm nhiễm vùng tai. Thường gặp nhất là do viêm tai giữa cấp, viêm tai xương chũm mạn có cholestetoma hay hồi viêm. Do viêm ở các bệnh lý như zona tai, lao tai, giang mai tai… hoặc do u dây thần kinh VIII chèn ép vào dây VII… cũng có thể dẫn đến liệt mặt.
Trên thực tế, nhiều trường hợp tai nạn do chấn thương vỡ xương đá (vỡ ngang hoặc chéo). Hoặc sau phẫu thuật liên quan đến vùng tai mũi họng như: Khoét rỗng đá chũm, mở sào bào thượng nhĩ, phẫu thuật xương bàn đạp, phẫu thuật dây thần kinh đá… có thể gây phù nề chèn ép hoặc đứt dây VII gây liệt mặt ngoại biên.
Liệt dây thần kinh số VII cũng có thể dẫn đến liệt mặt.
3. Dấu hiệu nhận biết liệt mặt do bệnh lý ở tai
Tình trạng liệt mặt xảy ra có thể nhận biết được. Nếu ngồi đối diện với người bệnh, quan sát thì sẽ nhận thấy, hoặc người bệnh khi soi gương chải tóc, khi đánh răng cũng có thể nhận biết.
Biểu hiện của tình trạng này là hai bên mặt không cân đối, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nửa mặt bên bệnh bất động và nhẽo (giảm trương lực cơ), trán mất nếp nhăn, lông mày hơi sụp xuống, má hơi xệ, rãnh mũi - má mờ, góc mép miệng bị xệ xuống, tai hình như thấp xuống. Tuy nhiên, trong giai đoạn muộn có nhiều trường hợp mặt bệnh nhân khi không cử động nhìn thấy mặt cân đối, chỉ khi cử động mới thấy mất cân đối.
Đối với trường hợp người bệnh nói hoặc có cử chỉ biểu hiện thì mặt bên bệnh không nhăn trán được, mắt không nhắm kín (dấu hiệu hở mi - Lagophthalmus), không làm được động tác nhe răng, phồng má, mím môi, huýt sáo, thổi lửa, chau mày.
Viêm tai xương chũm là một trong những nguyên nhân gây liệt mặt.
Ngoài ra, người bệnh còn có các dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu Charles - Bell dương tính: Khi bệnh nhân nhắm mắt chủ động, mắt bên liệt nhắm không kín, nhãn cầu vận động lên trên và ra ngoài (khi đó giác mạc lẩn dưới mi trên, củng mạc trắng lộ rõ giữa hai khe mi).
- Dấu hiệu Negro: Khi bệnh nhân ngước mắt nhìn lên trên, đồng tử bên tổn thương ở vị trí cao hơn bên lành.
- Dấu hiệu Souques: Trong khi nhắm hai mắt thì mắt bên bệnh nhắm không được chặt, lông mi của bên bệnh còn thò ra ngoài dài hơn bên lành.
Để xác định được nguyên nhân chính xác, các thầy thuốc sẽ phải tìm đánh giá các bệnh lý viêm đặc hiệu vùng tai. Đánh giá tổn thương tai giữa. Xem xét người bệnh có tiền sử chảy nước tai, phẫu thuật tai hoặc chấn thương… hoặc có thể chỉ định người bệnh chụp phim đánh giá vùng xương chũm và ống Fallope
Liệt mặt do các bệnh lý ở tai rất phức tạp, vì vậy khi mắc các bệnh lý tai mũi họng cần được điều trị triệt để .
4. Điều trị liệt mặt do bệnh lý ở tai
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể cho từng người bệnh. Nếu nguyên nhân do viêm, việc cần làm là giải quyết các ổ nhiễm khuẩn, giải phóng chèn ép, phù nề dây VII. Các bác sĩ sẽ phải trích rạch màng nhĩ trong viêm tai giữa cấp, mở sào bào thượng nhĩ, bạt tường dây VII trong viêm xương chũm cấp. Đối với viêm xương chũm mạn, phải phẫu thuật khoét rỗng đá chũm, bóc trần dây VII… Nếu tình trạng liệt mặt do các khối u thì điều trị u. Trong trường hợp do phẫu thuật, các bác sĩ sẽ rút bớt Merche tai, nếu do nhét quá chặt, bộc lộ đoạn dây thần kinh VII bị phù nề, chèn ép, dập nát, nối dây thần kinh bị đứt.
Viêm nhiễm vùng tai là nguyên nhân gây liệt mặt.
5. Liệt mặt do bệnh lý ở tai tiên lượng thế nào?
Với các trường hợp liệt nhẹ không hoàn toàn, có thể hồi phục tốt khi đã giải quyết nguyên nhân. Với các trường hợp liệt toàn bộ, rõ rệt do các dây thần kinh bị phá hủy, bị cắt đứt do phẫu thuật sẽ không hồi phục được. Liệt mặt kéo dài không xử trí sẽ gây thoái hóa, dây thần kinh sẽ không phục hồi lại được.
Tóm lại: Liệt mặt do các bệnh lý ở tai rất phức tạp, vì thế khi mắc các bệnh lý tai mũi họng cần được điều trị triệt để. Người bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không tự ý điều trị theo mách bảo. Khi có dấu hiệu nghi ngờ liệt mặt, không được chủ quan đánh gió, cạo gió, mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Theo Suckhoedoisong
Pk Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389