Sau một tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, hay sau 1 trận ẩu đả hoặc chơi thể thao, bạn có thể bị gãy xương mũi. Nhận biết để xử trí đúng cách là rất quan trọng.
ThS. BS. Nguyễn Thị Diệp Anh - Khoa Tai mũi họng – BV Đa khoa Xanh Pôn sẽ có những tư vấn, giải đáp về cách xử trí gãy xương mũi tới bạn đọc báo Sức khỏe& Đời sống
1. Gãy xương mũi là gì?
Mũi là bộ phận nằm ở vị trí trung tâm của khuôn mặt nên rất dễ bị tác động từ ngoại lực và dẫn đến tổn thương. Trường hợp bị gãy xương mũi nhẹ thì người bệnh có thể bị sưng và chảy máu mũi số lượng ít trong thời gian ngắn. Nếu bị gãy xương mũi nghiêm trọng thì mũi sẽ bị biến dạng hoặc nghiêng lệch, người bệnh sẽ bị chảy rất nhiều máu, ngạt tắc lỗ mũi hoặc lệch vách ngăn làm khó thở, hoặc nguy hiểm hơn (hiếm gặp) là chảy dịch não tủy (dịch trong suốt chảy ra từ mũi), đau đầu,…
2. Dấu hiệu nhận biết một người bị gãy xương mũi
Sau một tác động mạnh vào khu vực sống mũi, bạn thấy sưng đau, bầm tím hoặc vết xây xước ở da vùng mũi, biến dạng mũi, chảy máu mũi hoặc ngạt tắc mũi… Đó là dấu hiệu của gãy xương mũi.
Bệnh nhân sẽ được chụp phim X quang mũi hoặc phim CT mũi xoang phát hiện đường vỡ xương mũi, vỡ có di lệch hay không, các tổn thương hàm mặt và sọ não kết hợp
Ảnh minh họa : bệnh nhân trước( trái) và sau phẫu thuật nắn xương mũi (phải)
Ảnh trái: Sau tai nạn bị đánh vào vùng mũi, nạn nhân bị sập và lún sống mũi, di lệch sang bên trái. Ảnh phải: Sau phẫu thuật sống mũi cao và thẳng tắp; hít thở thông thoáng
3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị gãy sống mũi
Như đã nói, sau một tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, hay sau 1 trận ẩu đả hoặc chơi thể thao bị đập vào vùng mũi... thì đều có nguy cơ bị gãy xương mũi.
4. Xử trí và sơ cứu đúng cách khi phát hiện một người bị gãy xương mũi
- Khi bị gãy xương mũi, nếu bị chảy máu mũi thì người bệnh chỉ cần ngồi xuống và nghiêng người ra phía trước, thở bằng miệng để giúp máu không chảy xuống cổ họng, nếu vẫn chưa ngừng thì bóp chặt 2 cánh mũi để hạn chế chảy máu và giúp quá trình đông máu diễn ra, nếu chảy máu trên 7- 10 phút thì nên đưa đến viện.
- Trường hợp không chảy máu mà chỉ bị đau thì hãy ngước đầu cao để giảm đau.
- Xương sống mũi không quá dài và cũng không giống như các xương khác mà mình có thể bó nẹp được tại nhà hoặc ngoài cơ sở y tế, mình chỉ nên dùng gạc che lại - mang tính chất che đi vùng da bị rách chảy máu hoặc xương gãy hở trồi ra ngoài da.
- Lấy đá chườm lên vết thương có đúng cách?
Lấy đá chườm lên vết thương là giải pháp sơ cứu phù hợp khi vùng sống mũi bị sưng đau và bầm tím nhiều, còn khi có rách da gây chảy máu hoặc có xương gãy trồi qua da thì không nên chườm mà nên đưa luôn tới bệnh viện. Nếu muốn giảm sưng nhanh thì có thể chườm lạnh vào mũi trong khoảng 10 - 20 phút mỗi lần, bọc đá trong miếng vải mỏng để tránh da mũi bị quá lạnh. Sau đó ta có thể tới bệnh viện để được thăm khám và chụp chiếu đánh giá tình trạng vỡ xương mũi.
- Khi sơ cứu cần lưu ý gì?
Bình tĩnh vì hoàn toàn có thể sơ cứu trước khi đưa đến viện nếu như không có các dấu hiệu sọ não kèm theo.
5. Khi nào cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế
Khi có các dấu hiệu như đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, lơ mơ hoặc mất ý thức là các dấu hiệu của chấn thương sọ não kèm theo thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử lý tình trạng chấn thương sọ não gây nguy hiểm tính mạng trước, sau đó sẽ đánh giá tình trạng vỡ xương mũi kết hợp để có phương án điều trị.
Hoặc trường hợp có vết rách da gây chảy máu vùng mũi nhiều, xương gãy hở trồi ra ngoài da cũng nên đưa ngay tới bệnh viện để được khâu cầm máu và nắn chỉnh lại xương mũi
6 . Các phương pháp điều trị gãy xương sống mũi
Mục đích là khôi phục mũi về hình dáng tự nhiên, khôi phục đường thở hốc mũi thông thoáng. Chính vì vậy nên can thiệp sớm, tránh để lâu quá 10 ngày sẽ gây can xương xấu.
- Với gãy xương mũi kín không di lệch: Điều trị nội khoa và nghỉ ngơi
- Với gãy xương mũi kín có di lệch: Nâng xương chính mũi, nắn chỉnh vách ngăn mũi, lấy máu tụ hốc mũi và vách ngăn, đặt meche hoặc Merocel hốc mũi, đặt nẹp mũi phía ngoài trong 5 - 7 ngày
- Với gãy xương hở: Thay băng làm sạch da, lấy dị vật, khâu vết thương, đặt lại xương, cố định trong, nắn chỉnh vách ngăn, lấy máu tụ, đặt meche hoặc Merocel mũi 3 - 5 ngày, điều trị nội khoa, đặc biệt là tiêm SAT
Quá trình điều trị trong bao lâu?
- Theo dõi và đánh giá tình trạng sưng nề mũi, thông khí mũi, chảy máu mũi và các dấu hiệu tổn thương sọ não kết hợp
- Theo dõi hiệu quả sau nâng xương mũi, mũi hết sưng nề, sống mũi thẳng không còn lệch vẹo, thở thông thoáng
- Đánh giá sau 1 tuần, thông thường là sau 2 tuần mũi trở lại như bình thường.
Chấn thương gãy xương mũi tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại các biến chứng
7. Di chứng hay biến chứng?
Chấn thương gãy xương mũi tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại các biến chứng biến dạng về mặt thẩm mỹ và rối loạn chức năng sinh lý của mũi gây ngạt tắc mũi kéo dài. Nếu được tiếp nhận sớm, chẩn đoán đúng và can thiệp kịp thời thì hầu hết các trường hợp gãy xương chính mũi có thể được phục hồi lại hoàn toàn như ban đầu.
8. Cách phòng ngừa để tránh chấn thương mũi, gãy xương mũi
- Khi tham gia giao thông nên đội mũ bảo hiểm có kính để che và bảo vệ vùng mặt, tham gia đúng quy định an toàn giao thông sẽ hạn chế được các tai nạn không đáng có
- Đội mũ phù hợp khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động như xe đạp, trượt ván. Luôn thắt dây an toàn
- Trong sinh hoạt và lao động thì tránh các va đập vào vùng mũi
Theo Suckhoedoisong
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389