Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1)
Ngày 25/08/2018 01:40 | Lượt xem: 1192

1.      ĐẠI CƯƠNG

Bệnh tim mạch vẫn còn là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, 1/3 số trường hợp tử vong là do bệnh tim mạch và ước đoán có hơn 1 triệu người nhồi máu cơ tim mỗi năm.

Sau nhồi máu cơ tim, gần 1/3 bệnh nhân sẽ tiến triển đến suy tim tâm thu trong vòng 5 năm [2]. Đau thắt ngực ổn định (thường được đề cập với thuật ngữ “bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định”) ảnh hưởng 7,8 triệu người ở Hoa Kỳ và hơn 50% số bệnh nhân đó (4,1 triệu) là phụ nữ [1]. Khoảng nửa triệu bệnh nhân đau thắt ngực mới mắc xảy ra hàng năm [1]. Ngoài bệnh suất và tử suất đáng kể, chi phí kinh tế khổng lồ liên quan với bệnh động mạch vành. Nghiên cứu WISE được thực hiện để đánh giá thiếu máu cục bộ cơ tim có triệu chứng ở phụ nữ với quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân đau thắt ngực nhưng không có hẹp động mạch vành thượng tâm mạc [3]. Trong nghiên cứu đoàn hệ này, 62% bệnh nhân nữ thiếu máu cục bộ cơ tim ở nghiệm pháp không xâm lấn có bệnh động mạch vành không do tắc nghẽn và trong số đó, 20% cần nhập viện vì đau ngực trong vòng 5 năm từ khi chụp mạch vành lần đầu [4]. Phụ nữ với bệnh động mạch vành không do tắc nghẽn trải qua chụp mạch vành hầu như gấp đôi bệnh nhân nữ bệnh một nhánh mạch vành và có mức độ tàn tật tương tự và gánh nặng đau thắt ngực cao hơn [4]. Chi phí y khoa suốt đời đối với bệnh nhân nữ mắc bệnh động mạch vành không do tắc nghẽn trong nghiên cứu WISE được ước tính là 770.000 đô la Mỹ [4]. Gần một nửa bệnh nhân được thông tim để đánh giá đau thắt ngực không có hoặc có ít tắc nghẽn động mạch vành [5]. Ở bệnh nhân nữ dưới 60 tuổi, tỉ lệ tăng đến gần như 80% [6]. Những bệnh nhân này là một thử thách cho việc chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thành công đau thắt ngực.

Thuật ngữ “hội chứng X” và “đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành” (hoặc “đau thắt ngực do vi mạch”) thường được sử dụng thay thế nhau. Thực ra, hội chứng X bao gồm tất cả bệnh nhân đau thắt ngực nhưng động mạch vành bình thường khi chụp mạch vành. Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành là một phân nhóm bệnh nhân chuyên biệt của hội chứng X có rối loạn chức năng vi mạch và/hoặc rối loạn chức năng nội mô. Hệ vi mạch vành gồm tiểu động mạch, tiền tiểu động mạch và mao mạch. Các mạch máu này không được thấy trực tiếp trên chụp mạch vành hoặc chụp cắt lớp điện toán. Chẩn đoán đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành dựa vào phối hợp đau thắt ngực điển hình, chứng cứ của thiếu máu cục bộ cơ tim trên điện tâm đồ hoặc nghiệm pháp gắng sức, chụp động mạch vành bình thường, loại trừ co thắt động mạch vành thượng tâm mạc và dự trữ lưu lượng mạch vành < 2,5.

Trước đây, các bệnh nhân đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành được nghĩ là không tăng nguy cơ tim mạch nhưng ngày nay chúng ta biết rằng đau thắt ngực ở những bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ không có tắc nghẽn động mạch vành có tiên lượng xấu [7] như trình bày ở Hình 1. Tương tự, ở những đối tượng không có bệnh động mạch vành do tắc nghẽn khi được đánh giá không xâm lấn, những người có rối loạn chức năng vi mạch vành (được định nghĩa là dự trữ lưu lượng mạch vành (coronary flow reserve  [CFR]) ước tính bằng phương pháp không xâm lấn < 2,5) có xác suất biến cố tim mạch nặng gấp đôi trong 3 năm tiếp theo [8].

2.      SINH LÝ BỆNH

Ở những bệnh nhân đau ngực nhưng không có bệnh động mạch vành do tắc nghẽn, nguyên nhân bao gồm co thắt động mạch vành, bệnh vi mạch vành, đau ngực không do tim hoặc phối hợp các nguyên nhân đó. Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành có thể do bệnh cấu trúc, suy giảm chức năng hoặc chèn ép từ bên ngoài mạch vành.

Thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu mạch vành không thể cung cấp đầy đủ oxy nhu cầu chuyển hóa cơ tim. Bệnh động mạch vành cản trở cung cấp máu cho mô cơ tim trong những tình huống tăng nhu cầu chuyển hóa dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim và đau thắt ngực [9]. Các tổn thương trong các nhánh động mạch vành lớn ảnh hưởng lưu lượng máu ở vùng được cấp máu bởi động mạch thượng tâm mạc, dẫn đến các thay đổi thiếu máu cục bộ có thể phát hiện được như thay đổi đoạn ST trên ECG, rối loạn vận động vùng trên siêu âm tim, khiếm khuyết tưới máu khi gắng sức trên MRI tim hoặc xạ hình tưới máu cơ tim và mảng xơ vữa gây tắc nghẽn trên chụp cắt lớp điện toán mạch vành. Ý nghĩa huyết động của các tổn thương mạch vành thượng tâm mạc có thể được đo bằng phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành (fractional flow reserve [FFR]) được định nghĩa là tỉ số giữa áp lực đoạn xa và đoạn gần tổn thương, FFR bằng 1 cho thấy không có bệnh và FFR < 0,80 là bất thường có ý nghĩa [10-12]. Ngược lại, các tổn thương vi mạch vành ảnh hưởng lưu lượng máu ở các phần của vi tuần hoàn, dẫn đến các vùng cơ tim thiếu máu cục bộ nhỏ riêng biệt có thể hoặc không thể được quan sát trên các nghiệm pháp chẩn đoán truyền thống dành cho bệnh thượng tâm mạc. Do đó, các chỉ số lưu lượng khác được sử dụng để đánh giá lưu lượng máu và kháng lực vi mạch vành như CFR, chỉ số  kháng lực vi tuần hoàn (index of microcirculatory resistance [IMR]) và kháng lực vi tuần hoàn tăng tưới máu (hyperemic microvascular resistance [HMR]).

Hiệu năng của vi tuần hoàn phụ thuộc vào tính toàn vẹn của nội mô cũng như dự trữ tuần hoàn bàng hệ độc lập. Cốt lõi của chức năng mạch máu bình thường là khả năng của tế bào nội mô sản xuất nitric oxide để dãn mạch trong việc đáp ứng với lưu lượng. Rối loạn chức năng nội mô được xem là con đường chung cuối cùng mà các yếu tố nguy cơ kinh điển ảnh hưởng lên hệ mạch máu trong tiến trình xơ vữa động mạch. Các tế bào nội mô đóng vai trò then chốt trong cân bằng nội mô mạch máu bằng cách tiết ra các chất không những điều hòa trương lực mạch máu, hoạt tính tiểu cầu và các yếu tố đông máu mà còn ảnh hưởng viêm mạch máu và sự di chuyển tế bào. Do đó, sự suy giảm nội mô và hệ vi mạch dẫn đến xơ vữa động mạch, gây ra các biến cố tim mạch nặng [13-15]. Bệnh co thắt mạch vành được mô tả lần đầu bởi Prinzmetal và cộng sự [16]. Các bệnh nhân đau ngực không liên quan gắng sức có chu kỳ nhưng nhìn chung dung nạp gắng sức bình thường. Ở loại “đau thắt ngực biến thái” này, sự co thắt cơ trơn dẫn đến co thắt động mạch và thiếu máu cục bộ cơ tim có ý nghĩa lâm sàng [17]. Co thắt mạch vành có thể được quan sát ở bệnh nhân rối loạn chức năng nội mô do sự co thắt động mạch nghịch lý đáp ứng lại sự tương tác acetylcholine với các thụ thể muscarinic của tế bào cơ trơn trong môi trường giảm nitric oxide khả dụng [18].

3.      CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán đau thắt ngực do bệnh vi mạch mành là một thách thức. Chẩn đoán bệnh lý này có thể đặt ra nếu bệnh nhân đau thắt ngực khi gắng sức có động mạch vành bình thường hoặc không tắc nghẽn trên chụp mạch vành (chụp đa cắt lớp điện toán mạch vành hoặc chụp động mạch vành cản quang), nhưng có các dấu hiệu khách quan của thiếu máu cục bộ do gắng sức (ST chênh xuống trên điện tâm đồ gắng sức, thay đổi thiếu máu cục bộ trên hình ảnh tưới máu cơ tim) [71]. Siêu âm tim gắng sức Dobutamin thường không gây ra rối loạn vận động vùng. Các phương pháp chẩn đoán xâm lấn và không xâm lấn sẽ được trình bày dưới đây. Điều quan trọng là cần phân biệt đau thắt ngực do vi mạch với các nguyên nhân đau ngực không do tim. Co thắt động mạch vành lan tỏa như đoạn xa động mạch vành thượng tâm mạc có thể lan đến hệ vi mạch và được chứng minh khi tiêm acetylcholine vào mạch vành ở một số trường hợp bệnh vi mạch điển hình.

3.1 Lâm sàng

Các bệnh nhân đau ngực phải được đánh giá hội chứng mạch vành cấp và các bệnh đe dọa tính mạng khác như phình bóc tách động mạch chủ và thuyên tắc phổi. Trong khi đau thắt ngực cũng có thể được phân biệt với các nguyên nhân đau ngực không do tim khác bằng cách khai thác bệnh sử và khám thực thể cẩn thận, chẩn đoán bệnh động mạch vành có thể phức tạp do biểu hiện không điển hình. Đặc biệt phụ nữ có thể có các triệu chứng tương đương đau ngực [19] như khó thở, yếu, mệt mỏi, vã mồi hôi, choáng váng, buồn nôn và khó tiêu. Các chẩn đoán phức tạp khác là những nguyên nhân khác của bệnh mạch vành bao gồm bệnh động mạch vành do xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn, co thắt động mạch vành và bệnh vi mạch do rối loạn chức năng vi mạch/nội mô. Dựa vào nghiên cứu Framingham Heart Study, nam giới biểu hiện bệnh động mạch vành lần đầu tiên như nhồi máu cơ tim (43% biến cố mạch vành), trong khi hơn một nửa bệnh nhân nữ có bệnh động mạch vành biểu hiện lần đầu với cơn đau thắt ngực; ở 85% bệnh nhân nữ, đau thắt ngực không biến chứng nhồi máu cơ tim [20]. Nhồi máu cơ tim có thể không được nhận biết ở nữ hơn nam (34% so với 27%) [20]. Bệnh nhân nữ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định trong tình huống ngoại trú có thể lớn tuổi hơn và có các tình trạng đồng mắc như đái tháo đường, tăng huyết áp và suy tim sung huyết; nam có thể đã có nhồi máu cơ tim hoặc tái thông mạch vành bằng phẫu thuật bắc cầu mạch vành hoặc can thiệp mạch vành qua da [21]. Điều này cho thấy rằng phụ nữ thường bị bỏ soát chẩn đoán hoặc sinh lý bệnh của bệnh có sự khác nhau về giới tính hoặc phối hợp cả hai lý do này. Bệnh nhân nữ cũng có thể có chất lượng cuộc sống thấp hơn [21]. Sự khác nhau về giới tính trong sinh lý bệnh  được ủng hộ bởi dữ liệu từ nghiên cứu WISE. Trong nghiên cứu WISE, khi chụp động mạch vành, dưới 40% bệnh nhân nữ đau ngực và thiếu máu cục bộ cơ tim trên nghiệm pháp không xâm lấn có bệnh động mạch vành thượng tâm mạc do tắc nghẽn [22].

3.2 Cận lâm sàng

Trong khi tiêu chuẩn vàng hiện tại để đánh giá bệnh vi mạch vành tiếp tục là nghiệm pháp sinh lý mạch vành xâm lấn được thực hiện trong phòng thông tim, một số kỹ thuật không xâm lấn gồm siêu âm tim, MRI, CT và các nghiệm pháp gắng sức chức năng đã nổi lên có thể cung cấp nhiều thông tin chẩn đoán hữu ích cho các bệnh nhân bệnh vi mạch vành (Bảng 1). CFR được đo trong phòng thông tim là tỉ số giữa vận tốc đỉnh trung bình lúc tăng tưới máu so với ban đầu [24,25]. CFR < 2,5 giúp chẩn đoán bệnh vi mạch vành [26].

3.2.1 Các phương pháp chẩn đoán không xâm lấn

Siêu âm timqua thành ngực có thể đánh giá CFR thông qua đo Doppler xung. Một số nghiên cứu đã công nhận siêu âm tim Doppler qua thành ngực là một công cụ không xâm lấn để đánh giá CFR ở các bệnh nhân bệnh vi mạch vành [27-29]. Gần đây, ở 144 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 được theo dõi trung bình 29 tháng (14 - 44 tháng), CFR ≤ 2,0 là một yếu tố tiên lượng độc lập (tỉ số nguy hại HR: 11,2; KTC 95%: 3,1 – 40,9) với tỉ lệ biến cố (tử vong và nhồi máu cơ tim) 13,9% ở bệnh nhân với CFR ≤ 2,0 so với 2,0% ở những người CFR > 2,0 [30]. Các chỉ số Doppler xung có thể ước đoán CFR không xâm lấn chính xác, tiên lượng các bệnh nhân bệnh vi mạch vành và đánh giá đáng tin cậy đáp ứng điều trị tiếp theo mà không cho bệnh nhân phơi nhiễm với bức xạ ion hóa; tuy nhiên, siêu âm tim qua thành ngực có thể có cửa sổ siêu âm đầy đủ chỉ ở 70-80% bệnh nhân.

Cộng hưởng từtim mạch tưới máu cơ tim với chất cản từ gadolinium cho phép đánh giá lưu lượng máu xuyên thành và dưới nội mạc [31]. Chỉ số dự trữ tưới máu cơ tim là tỉ số lưu lượng máu cơ tim lúc tăng tưới máu so với lúc nghỉ và được sử dụng trong MRI tim thay thế cho CFR [24,25]. Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng các bệnh nhân có khiếm khuyết tưới máu dưới nội mạc do gắng sức có thể có các nghiệm pháp chức năng vi mạch và nội mô bất thường hơn những người không có các khiếm khuyết tưới máu [31-33]. So với các khiếm khuyết tưới máu cơ tim phát hiện bởi MRI tim, nghiệm pháp gắng sức dobutamine với CFR được đo bởi Doppler xung siêu âm tim qua thành ngực cho thấy mối tương quan ý nghĩa giữa chỉ số khiếm khuyết tưới máu cơ tim và CFR (r = -0,45; p = 0,019) [32]. Trong một nghiên cứu khác, khiếm khuyết tưới máu có liên quan với đáp ứng bất thường với nghiệm pháp acetylcholine (r = +0,45; p < 0,01) [33].

CT đa lớp cắtvới chất cản quang cũng có thể ước đoán lưu lượng máu bằng cách đo các thay đổi độ loãng theo thời gian; tuy nhiên, hầu hết nghiên cứu tập trung vào ước đoán ý nghĩa huyết động của tổn thương động mạch vành thượng tâm mạc và tính FFR sử dụng mô hình vi tính 3D của giải phẫu CT (được gọi là FFRCT) [34–36]. Các tiến bộ gần đây của FFRCT đã dẫn đến được thừa nhận ở Nhật Bản như là phương pháp thay thế cho hình ảnh tưới máu cơ tim [37,38]. Tuy nhiên, công cụ chẩn đoán này hiện tại không thể đánh giá bất thường lưu lượng ở bệnh nhân không có bệnh động mạch vành thượng tâm mạc.

Các nghiệm pháp gắng sứcở bệnh nhân đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành có thể có hoặc không bất thường; tuy nhiên, kết quả nghiệm pháp gắng sức bất thường ở các bệnh nhân với động mạch vành bình thường hoặc gần bình thường cho thấy họ có thể có bệnh vi mạch vành. Trên nghiệm pháp ECG gắng sức, đoạn ST chênh xuống có thể xảy ra ở các bệnh nhân bệnh vi mạch mành và có thể có liên quan với CFR giảm như được đánh giá bởi siêu âm tim Doppler qua thành ngực [39]. Nghiệm pháp gắng sức y học hạt nhân cũng có thể được sử dụng để đánh giá thay đổi lưu lượng máu cơ tim ở bệnh nhân bệnh vi mạch vành [40-42]; tuy nhiên, các nghiên cứu khác nên được thực hiện để xác định tính chính xác của chẩn đoán và giá trị tiên lượng của PET ở bệnh nhân đau thắt ngực do vi mạch.

Một số nghiệm pháp không xâm lấn cũng có thể được dùng để đánh giá chức năng nội mô ngoài tuần hoàn mạch vành. Siêu âm động mạch cánh tay với dãn mạch qua trung gian lưu lượng (flow-mediated dilation [FMD]) sử dụng lưu lượng như kích thích sinh lý đối với dãn mạch và là xét nghiệm không xâm lấn được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá chức năng nội mô; tuy nhiên có hạn chế bởi độ phân giải kém và tính biến thiên cao giữa những người siêu âm. Đo áp lực động mạch ngoại biên (peripheral arterial tonometry [PAT]) có vẻ ít phụ thuộc vào người thực hiện, nhưng bị ảnh hưởng bởi các khía cạnh cấu trúc của hệ mạch máu ngoài nội mô. Một phân tích gộp gồm 15.544 bệnh nhân ở 32 nghiên cứu FMD và 865 bệnh nhân ở 3 nghiên cứu PAT chứng minh các giá trị bất thường ở cả hai nhóm có liên quan với tăng tỉ lệ các biến cố tim mạch nặng nhưng không có nghiên cứu so sánh trực tiếp FMD với PAT [43]. Các rào cản cho việc sử dụng rộng rãi xét nghiệm chức năng nội mô không xâm lấn là sự thiếu chính xác trong đo FMD và giá trị hạn chế của PAT. Do đó, tiêu chuẩn vàng để xác định chức năng nội mô vẫn là đánh giá dãn động mạch vành đáp ứng với tiêm acetylcholine nội mạch vành trong phòng thông tim.

3.2.2 Đánh giá xâm lấn trong phòng thông tim

Hình 2 trình bày tiếp cận chẩn đoán trong phòng thông tim [23]. Việc đánh giá bắt đầu với chụp mạch vành để xác định tắc nghẽn động mạch vành thượng tâm mạc và các nguyên nhân cấu trúc khác của đau thắt ngực. Sau đó, bệnh nhân trải qua đánh giá nội mô và hệ vi mạch.

3.2.2.1 Đánh giá chức năng nội mô

Xét nghiệm chức năng nội mô cần sử dụng acetylcholine nội mạch vành và do đó nhìn chung được thực hiện ở các trung tâm chuyên nghiệp hoặc trong các đề cương nghiên cứu [44]. Acetylcholine gây ra dãn mạch ở nội mô bình thường thông qua sản xuất nitric oxide, dẫn đến tăng tín hiệu cGMP ở các tế bào cơ trơn. Ngược lại, acetylcholine không gây dãn mạch ở bệnh nhân rối loạn chức năng nội mô và thậm chí gây ra co mạch nghịch lý bởi vì tác dụng lên các thụ thể muscarinic ở cơ trơn động mạch [18]. Chỉ số dãn mạch qua trung gian nội mô đáp ứng với acetylcholine được đánh giá bằng cách sử dụng chụp mạch vành định lượng. Chức năng nội mô thượng tâm mạc được đặc trưng bởi đáp ứng mạch máu với acetylcholine nội mạch vành: đáp ứng bình thường nếu tăng đường kính, rối loạn chức năng nếu không thay đổi hoặc giảm đường kính; và co thắt mạch vành nếu giảm ≥75% đường kính đáp ứng với acetylcholine [13,18] so với ban đầu. Các bệnh nhân co thắt mạch mạch vành nặng có thể hồi phục nhanh với nitroglycerine. Rối loạn chức năng nội mô vi mạch vành cũng có thể được đánh giá.  Rối loạn chức năng được xác định bởi giảm lưu lượng máu khi được xác định bởi chụp mạch vành phối hợp với dây dẫn vận tốc Doppler [13,18], và co thắt mạch vành nếu có triệu chứng hoăc thay đổi ECG thiếu máu cơ tim với giảm <75% đường kính động mạch vành đáp ứng với acetylcholine. Trong khi thiếu dãn mạch thượng tâm mạc đáp ứng với tiêm acetylcholine nội mạch vành là tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn chức năng nội mô, có sự khác nhau đáng kể trong mức độ rối loạn chức năng trong các nhánh động mạch vành thượng tâm mạc. Các đoạn động mạch có thể co thắt, dãn hoặc vẫn không thay đổi đáp ứng với acetylcholine ở cùng một bệnh nhân, cho thấy rằng mức độ rối loạn chức năng nội mô động mạch vành thượng tâm mạc biến thiên ở cùng một hệ động mạch vành [45,46]. Trong khi tiêu chuẩn hiện tại là đo chỉ số đường kính ở phần xa catheter 5 mm và vuông góc với đường trung tâm của động mạch, điều này sẽ có thể thay đổi khi các chỉ số phức tạp hơn có thể thực hiện bởi các chương trình chụp mạch vành định lượng bán tự động.  

3.2.2.2 Đánh giá chức năng vi mạch mành

Chức năng vi mạch phụ thuộc nội mô có thể đánh giá thông qua tiêm acetylcholine nội mạch vành như đã thảo luận ở trên. Đánh giá chức năng vi mạch không phụ thuộc nội mô được thực hiện với adenosine để giảm sung huyết, dẫn đến dãn tế bào cơ trơn và dãn mạch của hệ vi mạch. Một số chỉ số được đưa ra để đánh giá chức năng vi mạch ở các bệnh nhân có hoặc không có bệnh động mạch vành thượng tâm mạc. CFR phản ánh chỉ số kết hợp của dung tích động mạch thượng tâm mạc và giường vi mạch để đạt lưu lượng máu tối đa đáp ứng với kích thích tăng tưới máu. CFR được tính là tỉ số giữa vận tốc đỉnh trung bình khi tăng tưới máu so với ban đầu và có giá trị 4-5 ở người bình thường đáp ứng với tiêm adenosine. Trong trường hợp không mắc bệnh động mạch vành thượng tâm mạc có ý nghĩa huyết động (FFR > 0,8), CFR có thể được sử dụng là chỉ số xơ vữa vi mạch vành đơn thuần, CFR < 2,5 chỉ điểm bất thường hệ vi mạch vành. Chỉ số này trong quá khứ bắt nguồn từ chụp mạch vành sử dụng số khung hình TIMI (Thrombolysis in Myocardial Infarction), chỉ số đo lưu lượng mạch vành định lượng không cần thêm catheter [47-50]. Chỉ số đó là số khung hình cần cho chất cản quang đi từ lỗ vào đến điểm xa được chuẩn hóa ở động mạch thượng tâm mạc sử dụng tốc độ phim chuẩn 30 khung hình/giây, số khung hình càng thấp cho thấy lưu lượng máu càng chậm. Khi động mạch liên thất trước dài hơn cả động mạch mũ và động mạch vành phải, số khung hình TIMI hiệu chỉnh (corrected TIMI frame count [CTFC]) được tính bằng cách chia số khung hình TIMI của động mạch liên thất trước cho 1,7 và có thể được sử dụng so sánh giữa các động mạch vành thượng tâm mạc khác nhau. Vì CTFC cũng cung cấp chỉ số thời gian, có thể tính vận tốc bằng cách chia chiều dài động mạch đích cho CTFC. Do đó, CFR có thể được tính từ số khung hình TIMI và được định nghĩa là tỉ số giữa  CTFC ban đầu so với khi tăng tưới máu [49-51].

Với sự tiến bộ của các dây dẫn chuyên dụng có thể đo cả vận tốc và áp lực trong các động mạch vành, ngày nay CFR có thể được đánh giá trực tiếp bằng dây dẫn vận tốc Doppler trong phòng thông tim. Các chỉ số mới hơn bao gồm IMR và HMR. IMR có vẻ đánh giá chức năng vi mạch có thể lặp lại ở các bệnh nhân có hoặc không có hẹp động mạch thượng tâm mạc và có thể được sử dụng phối hợp với FFR để đánh giá sinh lý động mạch vành thượng tâm mạc và vi mạch với một dây dẫn áp lực; tuy nhiên, không có dữ liệu bình thường của IMR và cần nhiều dữ liệu trước khi khuyến cáo tiêu chuẩn tham khảo [23]. HMR cũng là một chỉ số hấp dẫn để đánh giá chức năng vi mạch không phụ thuộc vào hẹp động mạch vành thượng tâm mạc, nhưng phụ thuộc vào dây dẫn phối hợp áp lực và vận tốc và không tính dự trữ tuần hoàn bàng hệ [44]. Mặc dù FFR đã được thừa nhận sử dụng chủ đạo nhưng đánh giá vi mạch với IMR hoặc HMR cũng được sử dụng trong các tình huống nghiên cứu.

Theo timmachhoc.vn

PK Đức Tín

Print Chia sẽ qua facebook bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua google bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua twitter bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua MySpace bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua LinkedIn bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua stumbleupon bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua icio bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua digg bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua yahoo bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua yahoo bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua yahoo bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1) Chia sẽ qua yahoo bài: Đau thắt ngực do bệnh vi mạch vành (P.1)

Tin tức liên quan

Ý KIẾN KHÁCH HÀNG

  • Tôi Nguyễn Thanh Sang, sinh năm 1990. Từ sau khi khám và điều trị tại phòng khám Đức Tín, tôi rất biết ơn Bác Sĩ đã giải thích và chia sẽ về bệnh tình của tôi. Trong suốt thời gian điều trị tại phòng khám tôi được chắm sóc rất tận tình của nhân viên phòng khám. giờ đây bệnh tình của tôi đã được cải thiện theo chiều hướng tốt. Mong phòng khám ngày càng phát triển hơn để có thể cứu được nhiều bệnh nhân.

    Tôi thành thật cảm ơn!. sđt: 0938303275

  • Tôi Huỳnh Thị Mười, sinh năm 1940 đã khám và điều trị tại phòng khám Đức Tín. Tôi rất hài lòng về cách phục vụ và chăm sóc bệnh nhân của phòng khám. Bác Sĩ rất tận tâm giải thích và chia sẻ cùng với bẹnh nhân.

    Tôi Huỳnh Thị Mười xin thành thật cảm ơn!SĐT: 0972868746

  • Theo tôi nhận định PK Đức Tín là nơi cả gia đình tôi đặt niềm tin, hi vọng khi đến khám. Bác sĩ tận tình, chu đáo, hòa nhã với bệnh nhân. Y tá và nhân viên PK lịch sự, vui vẻ, chu đáo. PK sạch sẽ, vô trùng nên tôi rất thích. ĐT: 0949914060.

  • Bác sĩ rất tận tình, chu đáo và Y tá rất dịu dàng, lịch sự, niềm nở với tôi. Phòng khám sạch sẽ, thoải mái, lịch sự. Tôi rất thích PK Đức Tín. Mỗi khi đến khám bệnh tôi rất an tâm. ĐT: 0839820792.

  • Tôi là bệnh nhân, đã tới phòng khám Ths.Bs. Lê Đức Tín. Tôi thấy bác sĩ rất tận tâm chăm sóc bệnh nhân, giải đáp mọi thắc mắc và nhân viên rất tận tình từ nhân viên tiếp tân đến các em xét nghiệm, điều dưỡng. Phòng khám rất sạch sẽ và khang trang. Tôi rất hài lòng. ĐT: 01227880829.

Tìm kiếm
Hỗ trợ khách hàng

    Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
    Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389

TOP