Bạn có thể thay đổi cách sống của mình để giảm nguy cơ tái phát cơn đau thắt ngực. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn có cuộc sống dễ chịu hơn và khoẻ mạnh hơn.
Kiểm soát hoạt động thể lực
Hoạt động thể lực đều đặn giúp kiểm soát cân nặng, và giảm bớt căng thẳng. Điều này cũng giúp những người mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường kiểm soát được tốt hơn con số huyết áp và mức đường máu của mình.
Ngoài ra, hoạt động thể lực đều đặn cũng là hình thức giúp tim của bạn dần thích nghi với các trạng thái hoạt động hàng ngày của bạn và do đó, sẽ làm giảm triệu chứng đau ngực.
Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng các động tác nhẹ nhàng. Đau ngực thường giảm dần đi khi bạn có chế độ luyện tập phù hợp và đều đặn. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về hình thức luyện tập và lượng vận động thể lực như thế nào là tốt cho bạn. Nếu trong quá trình vận động bạn lại có triệu chứng tức ngực hoặc đau ngực xảy ra, hãy nói với bác sĩ của bạn để xem xét và có sự điều chỉnh lượng vận động thể lực cho phù hợp. Một nguyên tắc vận động cho những người có bệnh mạch vành là bắt đầu từ mức độ vận động thấp rồi tăng chậm sau mỗi 4 tuần.
Hãy nhớ những loại vận động thể lực, mức độ hay thời gian vận động thể lực nào làm bạn đau ngực để tránh những hoạt động đó. Một người có thể đi bộ được khoảng hơn một kilomet mà không mệt mỏi nếu đi theo tốc độ trung bình, nhưng người đó cũng có thể bị đau ngực khi đi nhanh chỉ khoảng nửa dãy phố. Người có bệnh mạch vành cũng có thể quan hệ tình dục nhưng nếu có cơn đau thắt ngực xảy ra, hãy xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ của bạn. Đôi khi, dùng Nitroglycerin có thể dự phòng cơn đau thắt ngực trước khi quan hệ tình dục.
Nhiều bệnh nhân cũng xuất hiện đau ngực khi thay đổi thời tiết hay sau khi ăn một bữa quá no. Nếu điều này xảy ra, hãy tránh các hoạt động gắng sức sau khi ăn tiệc, khi thời tiết lạnh hoặc gió nhiều và mặc ấm khi bạn đi ra ngoài Những hoạt động mang tính đột ngột, bất thường sẽ không tốt cho sức khoẻ của bạn.
Tránh các sang chấn tinh thần (stress)
Bất kỳ một cảm xúc mãnh liệt nào bao gồm cả quá vui mừng hay quá tức giận đều có thể gây ra đau ngực. Bạn cần học cách kiểm soát tình cảm của mình để kiểm soát được cơn đau thắt ngực.
Hãy phát hiện những tình huống hàng ngày thường gây căng thẳng để tránh và cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình. Tránh những công việc mang nhiều áp lực và những thời gian biểu dầy đặc. Hãy biết sử dụng sức mạnh của tập thể.
Tất nhiên là rất khó để là người không bao giờ gặp căng thẳng. Nhưng hãy cố gắng đoán trước những tình huống này và sử dụng Nitroglycerin trước để giúp dự phòng cơn đau ngực.
Ngồi thiền và các bài tập thư giãn là cách rất tốt để giúp bạn luôn giữ được bình tĩnh. Nếu thường xuyên mệt mỏi căng thẳng, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để xem xét về việc dùng thêm thuốc an thần. Trong các trường hợp này, thuốc an thần khá an toàn và hiệu quả để kiểm soát cơn đau ngực nếu bạn làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Tránh các thói quen ăn uống không có lợi cho sức khoẻ
Cũng giống như vận động, tiêu hóa cũng làm cho tim của bạn phải tăng cường làm việc. Bạn nên cố gắng tránh ăn những bữa ăn quá no và thức ăn quá nhiều năng lượng làm bạn thấy khó tiêu. Nên nghỉ ngơi thư giãn sau khi ăn. Nếu bạn thường xuất hiện đau ngực sau khi ăn, bạn có thể dùng Nitroglycerin trước khi dùng bữa.
Tình trạng thừa cân nặng cũng không tốt cho hệ mạch vành của bạn. Đau ngực thường giảm đi khi bạn giảm được số cân thừa. Thậm chí, nếu bạn bạn không thừa cân thì bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn nên ăn ít các thực phẩm chứa nhều chất béo bão hòa và cholesterol.
Hạn chế uống rượu
Nếu bạn thường uống rượu, hãy uống điều độ. Điều này có nghĩa là chỉ dùng 1 đến 2 ly nhỏ mỗi ngày với nam giới và chỉ một nửa lượng này đối với nữ. Tốt nhất là uống rượu vang đỏ. Uống quá nhiều rượu có thể gây nguy hiểm bởi vì nó có nhiều ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Nếu bạn chưa từng uống rượu, đừng bắt đầu tập uống. Nếu đang cố gắng giảm cân, càng không nên uống nhiều rượu bởi rượu cung cấp rất nhiều năng lượng. Quan điểm hiện nay cũng không khuyến khích bạn uống bia.
Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc
Hút thuốc lá có hại cho tất cả mọi người. Nếu bạn bị đau thắt ngực, dừng hút thuốc lá là điều then chốt. Hút thuốc làm các mạch máu co lại, tim đập nhanh hơn, giảm lượng oxy trong máu của bạn và thành mạch dễ bị tổn thương hơn. Tất cả những ảnh hưởng này làm cho cơn đau thắt ngực dễ xảy ra và nặng nề hơn, tăng nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nếu bạn không hút thuốc nhưng người thân trong gia đình của bạn thường xuyên hút, hãy khuyên họ bỏ thuốc. Nếu bạn cần sự tư vấn để bỏ thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ về chương trình thích hợp với bạn.
Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo
Nếu bạn có các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bạn cần kiểm soát tốt những bệnh lý đó để tránh làm các tổn thương mạch vành của bạn nặng nề hơn.
Tích tụ mảng xơ vữa trên thành mạch là cơ chế bệnh sinh chính gây hẹp lòng mạch. Chế độ ăn giảm mỡ, giảm cholesterol là một
trong những biện pháp cơ bản của điều trị không dùng thuốc. Các thuốc nhóm statin không những là thuốc làm giảm mỡ máu mà còn có tác dụng chống viêm, ổn định mảng xơ vữa, được chỉ định cho các trường hợp có tổn thương mạch vành.
Huyết áp cao làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, suy tim và những rối loạn mạch máu khác. Nó cũng làm tăng gánh nặng cho tim, dễ xuất hiện cơn đau thắt ngực. Kiểm soát huyết áp là vấn đề cực kỳ quan trọng. Vì vậy, bạn cần tuân thủ tốt chế độ điều trị mà bác sĩ đã đề ra.
Đái tháo đường cũng là một trong các yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành. Tình trạng đường huyết không được kiểm soát tốt thường làm nặng nề hơn các tổn thương thành mạch, hạn chế khả năng thích nghi, phục hồi của vùng cơ tim thiếu máu. Tình trạng thiếu máu cơ tim thầm lặng (không biểu hiện bằng triệu chứng đau thắt ngực) cũng thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Kiểm soát tốt đường huyết là một trong những vấn đề chính cần quan tâm ở bệnh nhân đái tháo đường có bệnh mạch vành.
Hãy cố gắng, kiên trì và bạn sẽ thành công
Theo vnha.org.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389