1. Định nghĩa
Cứng mạch (Arterial stiffness) là một đặc tính cơ bản và quan trọng của thành động mạch bởi 3 lý do sau:
Thứ nhất, đặc tính đàn hồi giúp thành động mạch hấp thu năng lượng trong giai đoạn tống máu kì tâm thu và phản hồi trở lại trong kì tâm trương, qua đó, duy trì huyết áp tâm trương và đảm bảo dòng máu liên tục đến mô trong suốt chu chuyển tim.
Thứ hai, thành động mạch đóng vai trò như một hệ đệm với sự tăng đột ngột của huyết áp tâm thu, qua đó, giảm thiểu hậu tải cho tim và tác động sinh xơ vữa trên thành mạch.
Cuối cùng, khả năng đàn hồi của thành động mạch cho phép các áp thụ quan (thụ thể căng) ở cung động mạch chủ và động mạch cảnh đáp ứng hiệu quả ngay cả với sự thay đổi rất nhỏ của đường kính mạch máu, qua đó, ức chế giao cảm, cường phó giao cảm, điều hòa hoạt động tim.
Cứng mạch hay độ đàn hồi thành mạch có thể được đánh giá bằng nhiều yếu tố khác nhau trong đó phương thức phổ biến và đơn giản nhất là đo đạc vận tốc sóng mạch. Ngoài ra có những phương pháp gián tiếp khác đã được đề nghị gần đây như huyết áp động mạch trung tâm và chỉ số gia tăng.
Vận tốc sóng mạch (Pulse wave velocity) là vận tốc lan truyền của sóng áp lực dọc theo thành động mạch chủ và các động mạch lớn trong suốt chu chuyển tim. Vận tốc sóng mạch là tiêu chuẩn vàng đánh giá sự cứng mạch. Sự cứng động mạch chủ được tính toán bằng vận tốc sóng lan truyền từ động mạch cảnh chung đến động mạch đùi chung. Khi thất trái tống máu vào động mạch chủ, sự rung động của dòng máu tạo ra 1 sóng lan truyền dọc theo thành các động mạch. Sóng lan truyền bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố: 1) sự dịch chuyển của dòng máu dọc theo trục động mạch với quán tính là yếu tố quan trọng nhất ở các động mạch lớn; và 2) sự dịch chuyển theo chiều ngang xuyên thành động mạch – sự cứng mạch. Quán tính theo chiều dọc mạch máu càng lớn, sóng mạch lan truyền càng chậm. Kháng trở thành mạch càng lớn (mạch máu càng cứng), thời gian sóng lan truyền theo chiều ngang càng ít và do đó vận tốc sóng mạch càng nhanh.
Nếu lan truyền trong 1 mạch máu đồng nhất, dài vô tận, các sóng mạch sẽ di chuyển không bị cản trở xuyên suốt chiều dài mạch máu. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi khi mạch máu có chiều dài nhất định hay tính chất thành mạch không còn đồng nhất. Khi đó, sóng phản hồi (Reflected wave) sẽ hiện diện trên thành mạch. Sự hiện diện đồng thời của sóng ly tâm và sóng phản hồi trên thành mạch sẽ tạo ra sự tương tác giữa 2 sóng. Tương tác này phụ thuộc không chỉ vào biên độ của sóng mà còn ở thời điểm 2 sóng gặp nhau (Hình 1). Ở người trẻ, sóng phản hồi trở lại vào cuối kì tâm thu và tâm trương tạo ra sóng “loại C” điển hình với 1 điểm uốn vào cuối tâm thu và tạo ra rất ít sự gia tăng huyết áp tâm thu. Tuy nhiên, theo tuổi và bệnh lý ảnh hưởng sự cứng của động mạch, vận tốc và biên độ sóng phản hồi gia tăng và trở lại sớm hơn trong kì tâm thu. Kết quả là không chỉ ảnh hưởng đến hình dạng sóng mạch (sóng “loại A) mà còn làm gia tăng đáng kể huyết áp tâm thu và mở rộng chênh áp tâm thu – tâm trương, qua đó gia tăng hậu tải của tim (Hình 2).
Hình 1. Sự hình thành sóng mạch
Hình 2. Hình thái 2 loại sóng mạch
Nhiều phương pháp đo lường biên độ của sóng phản hồi đã được đề nghị tuy nhiên đều có nhược điểm là khó áp dụng trên lâm sàng. Đo lường chỉ số gia tăng (Augmentation index) được cho là phương pháp gián tiếp thay thế được chấp nhận và có thể ứng dụng trên lâm sàng bởi chỉ dựa vào hình dạng của sóng huyết áp. Tuy nhiên, chỉ số gia tăng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (quan trọng nhất là chiều cao bệnh nhân và tần số tim) và khó đánh giá chính xác thời điểm trở lại của sóng phản hồi trên biểu đồ hình dạng sóng huyết áp. Tuy nhiên, lợi điểm của phương pháp này ở điểm nó xét cả thời gian sóng ly tâm và sóng phản hồi. Đây là yếu tố chính quyết định tác dụng của sóng phản hồi trên biểu đồ áp lực. Chỉ số gia tăng được tính bằng tỷ lệ giữa hiệu số của huyết áp tâm thu tối đa và khấc huyết áp của sóng ly tâm với áp lực mạch (Pulse pressure) (Hình 3).
Hình 3. Chỉ số gia tăng
Huyết áp động mạch trung tâm (Central blood pressure) được đo ở các động mạch trung tâm như động mạch chủ và động mạch cảnh chung. Sự tăng huyết áp động mạch trung tâm là yếu tố chính gây tái cấu trúc các động mạch não lớn và nhỏ, qua đó gia tăng nguy cơ đột quỵ. Sự gia tăng hậu tải của thất trái thông qua sự tăng của huyết áp trung tâm gây phì đại khối cơ thất trái và theo đó làm giảm tương đối tưới máu cơ tim.
2. Sinh lý bệnh huyết áp động mạch trung tâm và sự cứng thành động mạch
Trong vài năm gần đây, mối quan tâm về chức năng động mạch đã gia tăng đáng kể bởi ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy sự thay đổi chức năng động mạch có liên quan đến gia tăng nguy cơ tim mạch và sự hình thành của mảng xơ vữa. Điều này đã được ủng hộ bởi Hiệp hội Tăng huyết áp Châu Âu và công nhận rằng sự cứng thành động mạch nên được xem xét như một yếu tố nguy cơ tim mạch nếu có thể.
Sự cứng mạch bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố sau:
- Yếu tố chủ yếu là tích tuổi và huyết áp bởi sự tăng của hai yếu tố này có liên quan đến sự suy giảm tính chất đàn hồi của động mạch.
- Những nghiên cứu gần đây cho thấy, hệ thống thần kinh giao cảm cũng có tác động đến sự cứng mạch. Một vài cơ chế bao gồm: 1) ảnh hưởng của sự kích thích quá mạnh trên tim, ví dụ như tăng tần số tim, rút ngắn thời gian dẫn truyền nhĩ – thất và tăng sức co bóp của tâm thất và 2) tác động trên động mạch như sự co mạch gây tăng sức cản mạch máu ngoại biên.
- Tần số tim từ lâu đã được biết rõ là một yếu tố nguy cơ tim mạch. Nhịp nhanh có thể được xem như một ví dụ của sự kích hoạt giao cảm tự phát. Người ta thấy rằng khi tăng tần số tim bằng máy tạo nhịp, sự cứng mạch gia tăng ở cả động mạch cảnh lẫn động mạch quay. Điều này cho thấy nhịp nhanh có tác động âm đến tính đàn hồi của cả những động mạch lớn lẫn động mạch vừa. Cơ chế tác động của tần số tim trên sự cứng mạch được thể hiện qua: 1) hệ thần kinh giao cảm và 2) sự đàn hồi của thành động mạch vốn là 1 quá trình co dãn phụ thuộc tần số: thành động mạch sẽ trở nên cứng hơn nếu thời gian thư dãn bị suy giảm.
- Ngoài tích tuổi và huyết áp, sự cứng mạch còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thuốc lá, tăng cholesterol máu và tăng đường huyết. Ở những bệnh nhân trẻ, đái tháo đường típ 1 có huyết áp bình thường và không có xơ vữa cho thấy độ đàn hồi của động mạch thấp hơn so với những bệnh nhân cùng tuổi cùng giới kiểm soát tốt đường huyết. Tác động này ảnh hưởng lên động mạch chủ và xấu dần theo thời gian. Mối liên hệ giữa quá trình sinh xơ vữa và sự cứng mạch ngày càng được củng cố trong những năm gần đây và cho thấy rằng sự cứng mạch là một yếu tố tiên lượng cho các biến cố tim mạch.
- Khi suy tim tiến triển, sự cứng mạch không chỉ gia tăng rõ rệt mà còn tỷ lệ với mức độ suy tim. Ngoài ra độ đàn hồi của động mạch cảnh và động mạch chủ có liên quan đến chức năng tâm trương thất trái cho thấy rằng trong suy tim, sự tiến triển ở các động mạch lớn và tim là một quá trình diễn ra song song. Cuối cùng, sự cứng mạch làm gia tăng mức độ suy tim bởi động mach càng cứng càng làm gia tăng hậu tải dẫn đến suy giảm dần chức năng thất trái.
Theo timmachhoc.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389