3. Sinh bệnh học biến cố tim mạch đáp ứng với tăng huyết áp động mạch trung tâm
Huyết áp trên hệ thống động mạch khác nhau do sự khác biệt của tình trạng cứng mạch và tác động của sóng phản hồi. Hơn nữa, huyết áp trung tâm mới gây tác động trực tiếp trên cơ quan đích chứ không phải huyết áp ngoại biên. Chứng cứ ủng hộ huyết áp trung tâm là một yếu tố dự đoán nguy cơ tim mạch mạnh hơn huyết áp ngoại biên ngày càng rõ ràng.
Tác động của tăng huyết áp trung tâm lên cơ tim
Bất cứ sự tăng huyết áp tâm thu nào đều có tác động trực tiếp lên hậu tải thất trái và giảm khả năng tống máu hiệu quả. Tim tống máu vào hệ động mạch cứng thì cần phải tạo ra áp lực cuối tâm thu cao hơn cho cùng một thể tích nhát bóp. Sự gia tăng liên tục huyết áp tâm thu trung tâm dẫn đến phì đại thất trái – vốn là một yếu tố nguy cơ tim mạch chính. Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy thể tích khối cơ thất trái liên hệ mật thiết với huyết áp tâm thu và áp lực mạch của động mạch chủ hơn là của động mạch cánh tay. Sự gia tăng độ cứng của các động mạch lớn có mối liên quan độc lập với rối loạn chức năng tâm trương ở những bệnh nhân tăng huyết áp. Điều này cho thấy rằng sự gia tăng độ cứng động mạch và theo đó là sự gia tăng áp lực mạch trung tâm có thể đóng vai trò sinh bệnh của thiếu máu cơ tim cục bộ và rối loạn chức năng tâm trương, cuối cùng dẫn đến suy tim tâm trương tiến triển. Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng rối loạn chứng năng tâm trương thất trái và suy tim với phân suất tống máu bảo tồn liên hệ mạnh mẽ với huyết áp trung tâm hơn với huyết áp cánh tay.
Tác động của tăng huyết áp trung tâm trên tưới máu mạch vành
Phân tích gần đây của nghiên cứu SHEP cho thấy bệnh nhân giảm huyết áp tâm trương hơn 5 mmHg lại tăng nguy cơ tương đối đột quỵ động mạch vành[23]. Một giải thích đưa ra cho kết quả này có thể là sự tưới máu động mạch vành xảy ra chủ yếu trong thì tâm trương, do đó giảm huyết áp tâm trương có xu hướng làm giảm tưới máu mạch vành cộng với tình trạng tăng công thất trái do tăng huyết áp tâm thu trung tâm dẫn đến kết quả bất lợi này. Tình huống này có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ độc lập với bệnh mạch vành do xơ vữa. Một giải thích khác là do sự cứng mạch. Khi đó, tưới máu mạch vành có xu hướng xảy ra nhiều hơn trong thì tâm thu đáp ứng với tình trạng tăng áp lực tưới máu tâm thu. Điều này có nghĩa là khi chức năng tim suy giảm như trong hội chứng vành cấp, tưới máu vành sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bình thường khi chức năng tâm thu giảm. Dù cho cơ chế chính xác là gì, sự thay đổi tưới màu mạch vành khi có tình trạng cứng mạch và tăng áp lực mạch trung tâm là tiền đề của thiếu máu cơ tim cục bộ và gia tăng biến cố mạch vành.
Tác động của tăng huyết áp trung tâm trên động mạch lớn và cơ quan khác
Những thành phần chính của thành động mạch điều hòa sự cứng mạch bao gồm elastin, collagen và cơ trơn. Theo tuổi, tính chất đàn hồi của những cấu trúc này trên thành động mạch ngày một suy yếu và dễ bị phá vỡ và gia tăng độ cứng của thành động mạch. Kết quả là sự gia tăng huyết áp tâm thu trung tâm. Huyết áp tâm thu trung tâm tăng lên lại làm tăng áp lực xé lên thành động mạch và tổn thương trầm trọng thêm các cấu trúc của thành động mạch. Mối tương quan này hình thành một vòng xoắn bệnh lý. Áp lực mạch trung tâm gia tăng cũng truyền đến các động mạch khác như mạch cảnh và dẫn đến tái cấu trúc nhằm làm giảm áp lực trên thành động mạch, qua đó, dẫn đến quá trình phì đại lớp nội mạc và trung mạc. Có mối tương quan chặt giữa tổn thương vi mạch ở não và thận và áp lực mạch trung tâm cũng như những chỉ điểm khác của tình trạng cứng mạch như vận tốc xoắn mạch. Hệ vi mạch ở những cơ quan này rất dễ tổn thương bởi sự thay đổi đột ngột huyết áp tại các động mạch lớn như động mạch cảnh hay động mạch thận. Do đó, áp lực mạch trở thành yếu tố dự đoán tốt nhất cho sự thay đổi chức năng thận hơn là huyết áp tâm thu hoặc tâm trương hoặc huyết áp trung bình.Tóm lại, tác động của áp lực mạch rộng đến hệ vi mạch đã đưa ra giải thích hợp lý cho sự suy giảm chức năng thận và não theo tuổi và trong một số bệnh lý như đái tháo đường và tăng huyết áp.
Tác động của tăng huyết áp trung tâm trên chức năng nội mạc
Khi động mạch cứng, lực xé trên thành động mạch gia tăng làm tổn thương nội mạc dẫn đến giảm sản xuất nitric oxide nội mạc. Sự sinh xơ vữa trên động mạch cảnh xảy ra tại những điểm có tần suất lực xé thấp. Hơn nữa rối loạn chức năng nội mạc, đặc trưng bởi sự giảm sinh tổng hợp nitric oxide, tiên đoán nguy cơ tim mạch và mạch vành. Giảm nitric oxide cũng làm cho động mạch ngày một cứng hơn. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy mối liên hệ giữa chức năng nội mạc và áp lực mạch, đặc biệt là áp lực mạch trung tâm hơn là áp lực mạch cánh tay. Tuy nhiên, cơ chế cũng như sự tác động qua lại giữa 2 yếu tố này hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
4. Giá trị tiên đoán của huyết áp trung tâm và sự cứng mạch trên biến cố tim mạch
Áp lực mạch cánh tay và giá trị tiên lượng của nó
Trong khi huyết áp trung bình là 1 yếu tố ổn định của huyết áp thì áp lực mạch là 1 yếu tố động, đại diện cho lực xé tác động trên thành mạch. Darné và cộng sự (1989) chứng minh áp lực mạch là 1 yếu tố độc lập trên tử vong tim mạch, đặc biệt ở những đối tượng lớn hơn 55 tuổi[8]. Nghiên cứu Framingham Heart Study bao gồm 6500 đối tượng tuổi từ 20 đến 79, không có bệnh tim mạch và theo dõi trong 20 năm[10]. Trong nhóm tuổi nhỏ hơn 50, huyết áp tâm trương là yếu tố dự đoán mạnh nhất cho bệnh mạch vành. Tuy nhiên, ở nhóm tuổi 50 – 59, nguy cơ chia đều cho cả 3 yếu tố là huyết áp tâm thu, tâm trương và áp lực mạch. Trong nhóm cao tuổi nhất, yếu tố tiên lượng mạnh nhất lúc này là áp lực mạch; huyết áp tâm thu tỉ lệ thuận và huyết áp tâm trương tỉ lệ nghịch với nguy cơ bệnh mạch vành. Những dữ liệu trên cho thấy áp lực mạch cánh tay là 1 yếu tố dự đoán tốt biến cố tim mạch, đặc biệt trên bệnh nhân cao tuổi.
Huyết áp trung tâm có mang giá trị tiên lượng tốt hơn huyết áp cánh tay không?
Một số nghiên cứu cho thấy vai trò tiên lượng của huyết áp trung tâm. Trong khi một số nghiên cứu đánh giá áp lực mạch trung tâm trực tiếp trên động mạch cảnh hoặc gián tiếp thông qua động mạch cánh tay thì một số nghiên cứu khác đánh giá chỉ số gia tăng, qua đó cho biết thông tin về tương quan của sóng phản hồi và sóng ly tâm (Bảng 1).
Nghiên cứu CAFE, một nhánh nghiên cứu của ASCOT, là nghiên cứu về thuốc đầu tiên trên bệnh nhân tăng huyết áp nguy cơ cao có đánh giá huyết áp trung tâm một cách có hệ thống. Nghiên cứu chỉ ra rằng áp lực mạch trung tâm dự đoán biến cố tim mạch nhưng khả năng dự đoán tương đương áp lực mạch cánh tay. Có thể kết luận rằng áp lực mạch trung tâm dự đoán được nguy cơ biến cố tim mạch trên bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh mạch vành do xơ vữa và trong dân số chung. Vấn đề chính của những nghiên cứu hiện tại là độ mạnh tương đối thấp trong việc chứng minh huyết áp trung tâm ưu thế hơn huyết áp cánh tay.
Sự cứng động mạch chủ đánh giá bằng vận tốc sóng mạch và mối liên quan với biến cố tim mạch
Vận tốc sóng mạchlà tiêu chuẩn vàng đánh giá tình trạng cứng mạch. Có hai lý do chính giải thích vì sao sự cứng của động mạch chủ có thể tiên lượng biến cố tim mạch: 1) sự gia tăng độ cứng dẫn đến gia tăng huyết áp tâm thu trung tâm và dãn rộng áp lực mạch, do đó tải áp lực trên những cơ quan trọng yếu lớn hơn, 2) sự gia tăng độ cứng đại diện cho giai đoạn tiền xơ vữa, cứng mạch là hậu quả của sự thay thế elastin bằng collagen và phì đại cơ trơn mạch máu; những thay đổi này thúc đẩy quá trình hình thành xơ vữa. Mối liên quan giữa vận tốc sóng mạch và kết cục tim mạch đã được nghiên cứu qua nhiều dân số bệnh nhân (Bảng 2).
Tóm lại, nhiều dữ liệu đã cho thấy vận tốc sóng mạch của động mạch chủ là yếu tố tiên lượng bệnh lý tim mạch chắc chắn hơn huyết áp trung tâm. Vận tốc sóng mạch động mạch chủ tiên lượng biến cố tim mạch ngay cả trên các đối tượng có nguy cơ trung bình hoặc thấp[1],[3]. Vận tốc sóng mạch động mạch chủ gia tăng theo tuổi và là yếu tố tiên lượng độc lập trên người cao tuổi trong khi đó chỉ số gia tăng không tăng thêm khi tuổi lớn hơn 55 – 60 và do đó áp lực mạch trung tâm mất đi ưu thế so với áp lực mạch cánh tay trong dự đoán biến cố tim mạch trên người cao tuổi. Vì vậy, hai phương pháp đánh giá tiên lượng này không nên được sử dụng thay thế lẫn nhau.
5. Dược lực học huyết áp động mạch trung tâm
Huyết áp cánh tay vẫn luôn là thước đo tiêu chuẩn vàng trong đánh giá hiệu quả các thuốc hạ áp bởi tính dễ tiếp cận và rất nhiều dữ liệu chứng minh mối liên quan giữa huyết áp cánh tay và biến cố tim mạch. Tuy nhiên, mối quan tâm hiện nay đang dần chuyển sang huyết áp trung tâm bởi ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh khả năng tiên lượng chính xác hơn của huyết áp trung tâm so với huyết áp ngoại biên.
Đồng thuận cho đến nay vẫn công nhận có thể sử dụng bất cứ thuốc hạ áp nào, chỉ cần đạt được mục tiêu hạ áp là đều mang lại hiệu quả. Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu so sánh đối đầu như ALLHAT hay các phân tích tổng hợp khác. Tuy nhiên, những chứng cứ gần đây liên quan đến thuốc ức chế beta đã mở ra những hoài nghi trong quan niệm này. Các nghiên cứu so sánh như MRC-Elderly, LIFE và ASCOT đều đưa ra kết luận atenolol tỏ ra yếu thế hơn những thuốc hạ áp khác về các kết cục tim mạch mặc dù khả năng hạ áp là tương đương[4]. Điều may mắn là, ứng dụng về huyết áp trung tâm đã phần nào giải thích được bí ẩn này.
Nghiên cứu CAFE, trích từ 1 phân nhóm của nghiên cứu ASCOT, đánh giá khả năng hạ huyết áp trung tâm của amlodipine/perindopril cho thấy huyết áp tâm thu động mạch chủ thấp hơn 4.3 mmHg và áp lực mạch động mạch chủ thấp hơn 3 mmHg so với nhóm sử dụng atenolol/bendroflemethiazide[28]. Dữ liệu từ thử nghiệm REASON cũng ủng hộ kết quả của CAFE khi cho thấy huyết áp tâm thu động mạch chủ trong nhóm sử dụng perindopril/indapamide giảm hơn 13 mmHg so với nhóm sử dụng atenolol[7].
Cho đến thời điểm hiện tại, việc atenolol tỏ ra yếu thế hơn các thuốc hạ áp khác trên các kết cục tim mạch đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khá mạnh. Tuy nhiên, dữ liệu lâm sàng hiện tại vẫn chưa cho thấy điều tương tự đối với các ức chế beta khác, đặc biệt là các ức chế beta thế hệ mới có tính chất dãn mạch. Để hiểu rõ tại sao các nhóm thuốc lại có tác dụng khác nhau trên huyết áp trung tâm, chúng ta cần xét đến 2 khía cạnh chính của huyết áp trung tâm: sự cứng mạch và ảnh hưởng của sóng phản hồi lên huyết áp tâm thu. Nhiều thử nghiệm so sánh đối đầu đã chứng minh rằng ức chế beta có tác dụng tương đương các thuốc hạ áp khác trên sự cứng mạch (vận tốc sóng mạch). Ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy atenolol (mà không phải các ức chế beta khác) làm tăng chỉ số gia tăng trong khi những nhóm thuốc khác cho thấy làm giảm chỉ số này. Có khá nhiều cơ chế giải thích cho sự tăng của chỉ số gia tăng khi sử dụng ức chế beta nhưng có lẽ thuyết phục nhất là do sự giảm tần số tim. Giảm tần số tim sẽ gây tăng thời gian tâm thu và do đó tạo điều kiện để sóng phản hồi trở về động mạch chủ vào kì tâm thu và gia tăng huyết áp tâm thu trung tâm, qua đó làm tăng chỉ số gia tăng. Cứ mỗi khi giảm 10 nhịp/phút, chỉ số gia tăng sẽ tăng 4% và huyết áp tâm thu động mạch chủ sẽ tăng 5 mmHg. Đây có lẽ là lý do giải thích vì sao lại có những khác biệt về chỉ số gia tăng cũng như huyết áp trung tâm trong thử nghiệm so sánh đối đầu CAFE. Cũng cần phải nói rằng, các ức chế beta thế hệ mới như nebivolol hay carvedilol có thể có khả năng hạ huyết áp trung tâm tốt hơn bởi khả năng dãn mạch sẽ làm giảm số lượng sóng phản hồi và do đó có thể bù trừ những bất lợi của việc giảm thấp tần số tim.
Một trong những phương pháp làm giảm hiệu quả sóng phản hồi nằm ở việc sử dụng những thuốc có liên quan đến nitric oxide như glyceryl trinitrate. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chỉ với 1 lượng nhỏ glyceryl trinitrate cũng đủ làm giảm đáng kể sóng phản hồi mà không làm thay đổi sự cứng mạch. Kelly và cộng sự sử dụng 0.3 mg glyceryl trinitrate ngậm dưới lưỡi cho bệnh nhân can thiệp tim mạch cho thấy huyết áp tâm thu động mạch chủ giảm đáng kể so với huyết áp cánh tay (22.1 so với 11.8 mmHg) mà không làm giảm nhiều huyết áp trung bình và hầu như không thay đổi huyết áp tâm trương. Do vậy, những thuốc có liên quan đến nitric oxide được xem như 1 hướng đi mới trong làm giảm huyết áp trung tâm trên những đối tượng có cứng mạch và gia tăng sóng phản hồi.
6. Dược lực học sự cứng thành động mạch
Sự cứng thành động mạch đang trở thành một công cụ hữu ích trong đánh giá tiên lượng tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vận tốc sóng mạch cảnh – đùi, một thước đo trực tiếp của sự cứng động mạch chủ và một yếu tố tiên lượng độc lập của biến cố tim mạch trong một vài dân số. Một vài nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của các loaị thuốc khác nhau trên sự cứng thành động mạch. Khi phân tích những kết quả này, một vài hạn chế sau đây nên được xem xét:
- Tác động của thuốc trên sự cứng thành động mạch có thể là trực tiếp, không phụ thuộc áp lực, tác động trên sự thay đổi của các thành phần đàn hồi trên thành động mạch ví dụ như lớp cơ trơn, elastin và collagen. Mặt khác tác động có thể là gián tiếp thông qua giảm huyết áp (phụ thuộc áp lực). Việc giảm huyết áp sẽ dẫn đến giảm sóng phản hồi do sự giãn của các động mạch nhỏ và nhiều kháng lực. Một tác động gián tiếp phụ thuộc áp lực khác là ở khả năng tái cấu trúc thành động mạch trong điều trị dài hạn.
- Tác động của thuốc trên những loại động mạch nhất định (ví dụ động mạch dạng đàn hồi như động mạch chủ hay động mạch cảnh) không thể áp dụng cho những loại động mạch khác (ví dụ động mạch dạng cơ như động mạch cánh tay hay động mạch quay).
- Những động mạch dạng cơ đóng góp rất ít trong sự cứng mạch toàn bộ, hơn nữa, sự cứng của các động mạch này không phụ thuộc tuổi, tuy nhiên thay đổi sự cứng mạch thông qua dãn cơ có thể làm giảm sóng phản hồi và do đó giảm sự cứng ở các động mạch lớn theo con đường phụ thuộc áp lực.
- Nhiều phương pháp khác nhau đánh giá sự cứng mạch bao gồm sự cứng mạch theo vùng (đánh giá bởi vận tốc sóng mạch), sự cứng mạch tại chỗ (đánh giá bằng độ đàn hồi cắt ngang) và sự cứng mạch hệ thống (đánh giá bởi tính chất của hệ tuần hoàn).
- Tác dụng cấp tính của thuốc không thể áp dụng cho hiệu quả lâu dài tuy nhiên việc sử dụng thuốc lâu dài có thể cần thiết để đạt được những thay đổi nhất định.
- Hiệu quả có thể phụ thuộc liều.
- Sóng phản hồi phụ thuộc sự cứng mạch nhưng cũng phụ thuộc vào cân bằng giữa co mạch và dãn mạch trong hệ mạch máu ngoại biên. Do đó, sự thay đổi của sóng phản hồi bởi thuốc không đồng nghĩa với việc thay đổi được sự cứng mạch.
Hiệu quả của một vài thuốc trên sự cứng mạch
Nghiên cứu cho thấy các thuốc có thể có tác động ngắn hạn (dưới 3 tháng) hoặc dài hạn (trên 3 tháng). Hiệu quả tác động ngắn hạn thường do sự dãn cơ trơn của thành động mạch, trong khi các tác động dài hạn thường liên quan đến những thành phần riêng biệt của thành động mạch và thường có sự thay đổi trong hình thái của mạch máu.
Ức chế hệ renin – angiotensin – aldosterone
Đây là nhóm thuốc được nghiên cứu nhiều nhất. Tác động ngắn hạn của ức chế men chuyển là chủ yếu so với tác động dài hạn, nghiên cứu cho thấy sự giảm cứng mạch có thể một phần không phụ thuộc vào độc lập với việc giảm huyết áp. Kết quả không phụ thuộc vào bất kỳ thuốc nào trong nhóm và hiệu quả đạt được cho tất cả các loại động mạch. Đây là tác động phụ thuộc liều và không phụ thuộc huyết áp.
Chẹn thủ thể AT1 của Angiotensin II cũng cải thiện sự cứng mạch tương đương ức chế men chuyển. Dữ liệu cũng ủng hộ sự giảm cứng mạch không phụ thược huyết áp khi điều trị ngắn hạn và dài hạn. Mặc dù sự kết hợp ức chế men chuyển và chẹn thủ thể AT1 cho thấy cho thấy có tác dụng cộng gộp trong sự giảm cứng mạch trong bệnh thận mạn và tăng huyết áp nhưng sự kết hợp này là chống chỉ định trong nhiều nghiên cứu lớn.
Chẹn kênh calci
Chẹn kênh calci khác với ức chế men chuyển trong cơ chế tác động và có tác động ít hơn ức chế men chuyển trong sự giảm cứng mạch.
Lợi tiểu
Nhập muối làm gia tăng cứng mạch. Tuy nhiên nghiên cứu về hiệu quả của lợi tiểu trên sự cứng mạch vẫn còn nhiều tranh cãi. Trên bệnh nhân cao tuổi với tăng huyết áp tâm thu đơn độc, hydroclorothiazide kết hợp với amiloride có hiệu quả tương đương ức chế men chuyển trong giảm cứng mạch. Sự cứng mạch liên quan đến nồng độ aldosterone trên bệnh nhân tăng huyết áp. Mặc dù thuốc kháng aldosterone spironolactone làm giảm vận tốc sóng mạch động mạch chủ trong 4 tuần điều trị nhưng không cho thấy có sự thay đổi trong cứng động mạch cánh tay. Eplerenone, một loại thuốc kháng aldosterone chọn lọc cao cho thấy có hiệu quả tương đương amlodipine trong giảm vận tốc sóng mạch trên bệnh nhân tăng huyết áp cao tuổi.
Ức chế beta
Hầu hết nghiên cứu chứng minh ức chế beta làm giảm cứng mạch thông qua tác dụng giảm tần số tim nhưng loại thuốc này có thể làm tăng sóng phản hồi thông qua co mạch ngoại biên. Tuy nhiên, các ức chế beta có tính chất dãn mạch như carvedilol hay nebivolol có thể giảm thiểu được tác động không mong muốn này.
Nitrate/Ức chế men PDE-5
Nitrate có hiệu quả chủ yếu trên những động mạch dạng cơ. Sildenafil và Vardenafil có hiệu quả giảm cứng mạch sau thời gian ngắn sử dụng.
Thuốc giảm mỡ máu
Statin và Ezetimibe làm giảm vận tốc sóng mạch trên những bệnh nhân tăng cholesterol máu ngắn hạn lẫn dài hạn.
Thuốc kháng viêm
Aspirin và corticosteroid làm giảm cứng mạch đặc biệt trong những trường hợp có tăng đáp ứng viêm hệ thống.
Thuốc hạ đường huyết
Metformin cho thấy làm giảm cứng mạch. Pioglitazone hiệu quả hơn sulfunylurea trong làm giảm phì đại lớp trung mạc động mạch cảnh và vận tốc sóng mạch trên bệnh nhân đái tháo đường không tăng huyết áp kèm microalbumin niệu. Ức chế men DPP-4 không cho thấy có tác động trên hệ động mạch.
Thuốc kháng đông
Warfarin có liên quan đến sự tăng cứng mạch trên bệnh thận mạn. Chưa có nhiều dữ liệu trên thuốc kháng đông thế hệ mới.
Sự thay đổi cứng thành động mạch có mang ý nghĩa tiên lượng không?
Cho đến hiện tại, chứng cứ duy nhất cho giá trị tiên lượng của cứng mạch trong giảm biến cố tim mạch chỉ ở trên bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Trong nghiên cứu này, sự nhạy cảm của vận tốc sóng mạch trong việc hạ áp là một yếu tố tiên lượng độc lập của tử vong. Rõ ràng là, cần có nhiều nghiên cứu hơn đánh giá hiệu quả của sự giảm cứng mạch trên kết cục tim mạch trong dân số chung hay trong những bệnh lý khác.
7. Kết luận
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thất huyết áp trung tâm có giá trị dự đoán các biến cố tim mạch tốt hơn huyết áp cánh tay. Vì vậy, việc điều trị dựa trên huyết áp trung tâm hơn là huyết áp cánh tay, cho thấy liên quan quan trọng đến việc chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp trong tương lai.Các điều trị tăng huyết áp hiện nay có tác động khác nhau lên huyết áp cánh tay và huyết áp động mạch trung tâm.
Mặc dù việc theo dõi, chẩn đoán, đánh giá huyết áp trung tâm còn nhiều hạn chế trên thực hành lâm sàng. Nhưng người thầy thuốc cũng nên cân nhắc huyết áp trung tâm như là một tiêu chuẩn để chọn lựa thuốc trong điều trị tăng huyết áp thường quy và nên ưu tiên những điều trị đã có bằng chứng rõ ràng chứng minh về hiệu quả hạ áp trung tâm nhằm mang lại hiệu quả bảo vệ tim mạch tối ưu nhất cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Theo timmachhoc.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389