Điều trị hậu quả của dị tật tim bẩm sinh
Suy tim sung huyết
Khi bị suy, tim không thể bơm đủ máu đi nuôi cơ thể để đáp ứng nhu cầu về ôxy trong các điều kiện làm việc và hoạt động bình thường.
Khi đó, máu bị ứ trệ tại các cơ quan, tổ chức như tại phổi gây ra khó thở, tại gan gây gan to, đau vùng gan, ở những vùng thấp của cơ thể gây ra phù. Trẻ bị suy tim sung huyết thường dễ mệt, khả năng gắng sức giảm, thở nhanh và khó thở, phù, tiểu ít. Trong các trường hợp này, lợi tiểu được sử dụng để giúp thải bớt dịch thừa, giúp tim làm việc nhẹ nhàng hơn và Digoxin giúp tim co bóp khoẻ hơn. Những thuốc khác bao gồm ức chế men chuyển Angiotensin và thuốc chẹn bêta giao cảm cũng được chứng minh rất có ích trong điều trị suy tim và về lâu dài giúp cải thiện tiên lượng trong các trường hợp suy tim. Ngoài ra, trẻ cần thực hiện chế độ ăn giảm muối và hạn chế nước.
Rối loạn nhịp tim
Thông thường tim đập đều đặn từ 60 - 120 nhịp/ phút tuỳ vào tuổi của trẻ. Ở trẻ sơ sinh, thường tim đập rất nhanh, rồi sau đó, nhịp tim giảm dần đi theo tuổi. Đến tuổi thiếu niên, thường nhịp tim của trẻ tương đối ổn định gần như người trưởng thành.
Đôi khi nhịp tim có thể rất nhanh và làm giảm khả năng bơm máu của tim. Nhịp tim rất nhanh có thể liên quan đến những bất thường bẩm sinh tại tim như có đường dẫn truyền phụ hoặc do tình trạng suy tim. Nếu tim đập quá nhanh, có thể phải dùng thuốc để làm tim đập chậm lại và ổn định. Đôi khi cần can thiệp bằng thăm dò điện sinh lý và điều trị bằng sóng cao tần để giải quyết nguyên nhân gây cơn tim đập nhanh.
Nhịp tim rất chậm cũng có thể xảy ra và nó cũng làm giảm khả năng bơm máu của tim. Nguyên nhân nhịp chậm có thể do bất thường bẩm sinh hoặc là một biến chứng hiếm gặp sau can thiệp hoặc phẫu thuật sửa chữa. Nếu tình trạng nhịp chậm làm trẻ khó chịu hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, có thể cần đặt máy tạo nhịp để giúp tim đập với tần số thích hợp. Một số trường hợp trẻ thích nghi tốt với nhịp tim chậm thì không cần phải đặt máy tạo nhịp.
Nhịp tim không đều có thể liên quan tới dị tật tim bẩm sinh hoặc cũng có thể gặp sau phẫu thuật. Các rối loạn này có cần phải điều trị hay không tuỳ thuộc vào từng loại rối loạn nhịp.
Hãy lạc quan và hiểu biết, mọi khó khăn sẽ trôi qua
và hạnh phúc sẽ đến với gia đình bạn!
Theo vnha.org
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389