Già hóa dân số đang là một hiện tượng toàn cầu. Thống kê năm 2019 từ Liên Hiệp Quốc cho thấy trên toàn cầu có 703 triệu người ≥ 65 tuổi, chiếm 9% dân số thế giới. Con số này dự kiến tăng lên thành 1,5 tỷ người trong 2050, chiếm 16% dân số, nghĩa là cứ 6 người thì có 1 người ≥ 65 tuổi [1]. Cũng theo thống kê này của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có trên 7 triệu người ≥ 65 tuổi, chiếm 7,6% dân số [1]
Dựa vào huyết áp (HA) đo tại phòng khám, năm 2015 trên toàn cầu có 1,13 tỉ người bị THA [2], và dự kiến sẽ tăng tới 1.5 tỷ vào năm 2025 [3]. Tần suất lưu hành THA trên thế giới là 30-45%, tần suất này tăng lên >60% ở người >60 tuổi [3].
Do vậy, song hành với tình trạng già hóa dân số là tình trạng tần suất THA vẫn không ngừng gia tăng không những trên thế giới mà ngay tại nước ta.
Tại Mỹ, với định nghĩa THA là HA tâm thu ≥ 130 và/hoặc HA tâm trương ≥ 80 mmHg thì THA chiếm 46% dân số chung [4], chiếm 76% người 65-74 tuổi và chiếm 82% người ≥ 75 tuổi [5]. Tại Việt Nam, chương trình điều tra dịch tễ năm 2015 của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam cho thấy tỉ lệ THA trên dân số chung là 47,3%, chiếm trên >60% người >60 tuổi và chiếm >80% người >80 tuổi.
THA cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm với khoảng 10 triệu người năm 2015; trong đó có 4,9 triệu người do bệnh tim thiếu máu cục bộ; 2 triệu người do xuất huyết não và 1,5 triệu người do đột quỵ nhũn não. Nó cũng là yếu tố nguy cơ chính của suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu ngoại vi, suy giảm chức năng nhận thức …[6]
CƠ CHẾ THA Ở NCT CÓ GÌ KHÁC? [7]
THA là một rối loạn gồm nhiều yếu tố, mà các yếu tố này khác nhau phụ thuộc vào tuổi. THA ở NCT có một số khuynh hướng khác biệt liên quan với tuổi được liệt kê trong bảng 1. Nhận biết sự khác biệt này cung cấp cho các thầy thuốc cơ sở lựa chọn cách tiếp cận đặc hiệu theo tuổi để kiểm soát tốt hơn THA ở NCT.[7]
Bảng 1: Các thay đổi theo tuổi liên quan THA [7] |
1. Tăng độ nhạy với muối natri, tăng đáp ứng với điều trị lợi tiểu, giảm hoạt tính hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAA)
2. THA tâm thu đơn độc thường gặp hơn 3. Tăng độ cứng thành động mạch 4. Rối loạn chức năng nội mô 5. Tăng tần suất THA áo choàng trắng |
Tăng độ nhạy với muối natri, được định nghĩa là sự tăng huyết áp động mạch song hành với tăng lượng muối natri ăn uống vào. Ở NCT, việc giới hạn lượng muối natri nhập vào trong chế độ ăn uống và việc sử dụng các thuốc thuộc nhóm lợi tiểu sẽ cho hiệu quả kiểm soát huyết áp tốt hơn so với người trẻ. Các yếu tố làm trung gian gây tăng mối liên quan giữa tình trạng muối natri và sự thay đổi huyết áp ở người cao tuổi khá phức tạp, bao gồm: sự tăng đáp ứng thể tích nội môi với lượng muối nhập, muối làm giảm sản xuất nitric oxide (NO) của mạch máu, vàtăng độ cứng thành động mạch.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc (THATTĐĐ) được đặc trưng bởi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương <90mmHg, và hậu quả là áp lực mạch (pulse pressure) cao. THATTĐĐ chủ yếu gặp ở NCT. Trên 60 tuổi, trong đa số trường hợp, huyết áp tâm thu tăng theo tuổi, trong khi huyết áp tâm trương giữ ổn định hoặc giảm. Dữ liệu từ US National Health and Nutrition Examination Survey III (US NHANES 1988-1991) cho thấy 65% người trên 60 tuổi có THATTĐĐ. 87% bệnh nhân >60 tuổi có THA chưa được kiểm soát tốt là THATTĐĐ. THATTĐĐ được đặc trưng bởi giảm độ chun giãn của động mạch (arterial compliance), biểu hiện qua tăng độ cứng thành động mạch.
Còn nhiều tranh cãi về cơ chế của sự gia tăng độ cứng thành động mạch. Tăng độ cứng thành động mạch là hậu quả của thay đổi cấu trúc và chức năng của các động mạch lớn. Phì đại thành, vôi hóa, tổn thương xơ vữa, cũng như thay đổi chất nền ngoại bào (như tăng sợi collagen và fibronectin, phân mảnh và mất tổ chức hệ thống elastin, liên kết non enzym và tương tác tế bào chất nền), là những yếu tố chính làm thay đổi cấu trúc với giảm elastin và tăng độ cứng các động mạch trung tâm lớn. Thêm vào đó, các thay đổi về chức năng như rối loạn chức năng nội mô và biến đổi phản ứng tế bào cơ trơn, góp phần vào tăng tính cứng thành động mạch [8]. Mặc dù có thể cả 2 yếu tố này đều góp phần làm tăng độ cứng thành động mạch, ảnh hưởng của rối loạn chức năng nội mô có khả năng chính xác hơn về mặt dược lý học.
Rối loạn chức năng nội mô là do các gốc oxy tự do trong thànhđộng mạchvà do tác động ngược dòng của giảm lưu lượng dự trữ mạch máu ngoại biên. Tích lũy các gốc oxy tự do xuất phát từ các yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan đến tuổi, bao gồm xơ vữa động mạch, đái tháo đường, và suy thận cũng như tăng huyết áp. Rối loạn chức năng nội mô biểu hiện trên lâm sàng qua suy giảm khả năng dãn mạch được kích thích bởi acetylcholine, phụ thuộc endothelium, qua trung gian NO.
Hiệu ứng “THA áo choàng trắng” xảy ra khi huyết áp tăng tạm thời thông qua phản ứng thần kinh tự chủ được kích hoạt bởi quá trình đo huyết áp. Hiệu ứng này tăng dần theo tuổi. Vì thành phần tâm thu thường tăng nhiều hơn tâm trương, tăng huyết áp áo choàng trắng có thể bị nhầm với THATTĐĐ. Tuy nhiên, hiệu ứng áo choàng trắng có thể được xác nhận bằng cách tìm ra sự khác biệt lớn giữa các giá trị huyết áp đo tự động (trong giới hạn bình thường) so với trị số HA do nhân viên y tế đo (thường là cao).
TÁC ĐỘNG CỦA THA LÊN NCT: (8)
Vai trò của các trị số HA tâm thu (HATT), HA tâm trương (HATTr) và áp lực mạch:
HATT và áp lực mạch là yếu tố chỉ điểm nguy cơ tim mạch tốt hơnở NCT, trong khi ở người trẻ hơn thì HATTr phản ánh tốt hơn nguy cơ tim mạch.
Những thay đổi phụ thuộc tuổi trong giá trị tiên lượng của các trị số huyết áp có liên quan với biến đổi theo tuổi của huyết áp tâm thu và tâm trương, đã được trình bày ở trên. HATTr ở người trẻ phụ thuộc chủ yếu vào kháng lực ngoại vi, do đó HATTr thấp phản ánh kháng lực ngoại vi thấp. Hơn nữa, ở người trẻ có tuần hoàn tăng động, HATTr ít biến thiên hơn HATT, do đó HATTr phản ánh tốt hơn nguy cơ tim mạch.
Ở NCT, HATTr thấp chủ yếu phản ánh tăng độ cứng thành động mạch, là biểu hiện chính của lão hóa động mạch hơn là kháng lực ngoại vi thấp (Bảng 2). Trong trường hợp này, HATTr thấp đi kèm với tăng huyết áp tâm thu/áp lực mạch và tăng nguy cơ tim mạch. Ứng dụng lâm sàng của các nhận định này là, ở người trên 55 đến 60 tuổi, huyết áp tâm thu quan trọng hơn huyết áp tâm trương trong đánh giá nguy cơ tim mạch. Tất cả các hướng dẫn điều trị gần đây đều nhấn mạnh rằng, ở NCT, HATT dường như là yếu tố dự báo biến cố tốt hơn HATTr. Hơn nữa, áp lực mạch (PP – Pulse Pressure) có thể có một giá trị tiên lượng bổ sung ở người trên 65 tới 70 tuổi; ở NCT, tăng HATT có nhiều nguy cơ hơn khi kèm theo HATTr thấp.
Bảng 2: Biểu đồ mô tả biến đổi huyết áp ở NCT [8]
Tuổi | HATT | HATTr | Điều hòa HA | Nguy cơ chính | Chỉ dấu HA tốt hơn | Điều trị |
65–80 | ↑ ↑ | ↑ | Tăng PR và AS | Biến chứng tim mạch, | Tăng HATT | Vận động thể lực, đánh giá |
Suy giảm nhận thức | TOD và tổng CVR toàn thể, | |||||
Điều trị thuốc (HATT<140) | ||||||
65–80 | ↑ | ↔ ↓ | Tăng AS | Biến chứng tim mạch, | Tăng HATT, PP, | Vận động thể lực, đánh giá |
Suy giảm nhận thức | HATTr thấp | TOD và tổng CVR, | ||||
Điều trị thuốc (HATT<140) | ||||||
>80 | ↑ ↑ | ↔ ↓ | Tăng AS | Biến chứng tim mạch | Tăng PP, giảm | CGA, điều trị thuốc |
Té ngã | HATTr, OH | (HATT<150 hoặc HATT<140 tùy theo tình trạng chức năng) | ||||
>80 | ↔ ↓ | ↓ ↔ | Tăng AS và | Biến chứng tim mạch, | HATT Bình thường/thấp, HATTr thấp; | CGA, giảm thuốc nếu HATT<130 hoặc có |
bệnh đồng mắc | Té ngã, mất tự chủ | PP Bình thường/tăng, OH | OH, hạn chế đa thuốc |
AS: tính cứng động mạch; CGA: đánh giá lão khoa toàn diện; CV: tim mạch; CVR: nguy cơ tim mạch; OH: hạ huyết áp tư thế; PP: áp lực mạch; PR: kháng lực ngoại biên; SBP: huyết áp tâm thu; TOD: tổn thương cơ quan đích.THA và biến chứng tim mạch:
Một vài nghiên cứu có cỡ mẫu lớn cho thấy huyết áp đo tại phòng khám càng cao thì nguy cơ đột quỵ, bệnh mạch vành, đột tử, suy tim, bệnh động mạch ngoại biên, và bệnh thận giai đoạn cuối càng cao.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc làm tăng gấp 2-4 lần nguy cơ NMCT, phì đại thất trái, rối loạn chức năng thận, đột quỵ và tử vong do tim mạch [9,10].
Thống kê năm 2010 cho thấy THA là nguyên nhân hàng đầu của tử vong và tàn tật trên thế giới. Theo nghiên cứu theo dõi US NHANES với 23.272 bệnh nhân, >50% tử vong do bệnh mạch vành và đột quỵ là ở người THA. Thống kê năm 2012 ở Mỹ cho thấy THA là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 (sau ĐTĐ) gây bệnh thận giai đoạn cuối, chiếm 34% số ca bệnh thận giai đoạn cuối [4].
Trong nghiên cứu đoàn hệ Framingham, THA làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ ở NCT [35]. Ở người trên 65 tuổi, nguy cơ đột quỵ suốt đời là 15% ở người có THA so với 7% ở người không THA [36].
Tác động của THA lên chức năng nhận thức:
Các nghiên cứu quan sát ghi nhận mối liên quan giữa tăng huyết áp ở tuổi trung niên với nguy cơ suy giảm nhận thức. Mối liên quan này được ghi nhận đầu tiên trong nghiên cứu Framingham, trong đó THA phát hiện 20 năm trước đó có liên quan nghịch với chức năng nhận thức ở người tăng huyết áp không điều trị [11]. Từ quan sát khởi đầu này, các nghiên cứu dịch tễ cũng khẳng định mối liên quan giữa tăng huyết áp và suy giảm nhận thức [12]. Ví dụ, nghiên cứu Honolulu-Asia Aging theo dõi 3735 đối tượng trên 30 năm cho thấy nguy cơ suy giảm nhận thức ở tuổi 78 tăng lên với mức huyết áp đo được 25 năm trước đó[13]. Trong một nghiên cứu quan trọng của lĩnh vực này, Skoog và cộng sự [14]) cho thấy trong thời gian theo dõi từ 10 đến 15 năm, bệnh nhân có THA bị sa sút trí tuệ nhiều hơn bệnh nhân có huyết áp bình thường. Trong một nghiên cứu theo dõi ngắn hơn 4 năm, nghiên cứu Epidemiology of Vascular Aging cho kết quả nguy cơ suy giảm nhận thức tăng gấp 6 lần ở bệnh nhân tăng huyết áp không điều trị so với nhóm huyết áp bình thường [15]. Dẫu vậy, mối liên quan giữa huyết áp và suy giảm nhận thức ở người cao tuổi không được quan sát thấy ở các nghiên cứu khác [16]. Thời gian THA, phương pháp kiểm tra, cũng như sự khác nhau giữa các dân số có thể giải thích sự không nhất quán này. Hơn nữa, quan niệm hiện tại cho rằng mức huyết áp tuổi trung niên quan trọng hơn trong đánh giá nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ sau này hơn là mức huyết áp ở cuối đời [17].
Theo timmachhoc.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389