- KIỂM SOÁT LIPID MÁU TRONG PHÒNG NGỪA THỨ PHÁT
Ở người có bệnh tim mạch do XVĐM, LDL-C được xem là mục tiêu điều trị hàng đầu. Đồng thời với việc khuyến khích bệnh nhân thay đổi lối sống, dùng ngay statin hoạt lực cao (high-intensity statin) để hạ LDL-C ≥ 50% so với mức ban đầu, lý tưởng là đạt đích LDL-C < 55 mg/dl (1,4 mmol/l).
Trên bảng 4 là xếp loại statin theo mức hoạt lực (FDA khuyến cáo hạn chế dùng rosuvastatin 40 mg/ngày cho người gốc Á, do đó liều rosuvastatin tối đa trong bảng này là 20 mg/ngày). Nếu không đạt đích LDL-C < 55 mg/dl dù đã dùng statin hoạt lực cao (hoặc liều statin tối đa mà bệnh nhân dung nạp được), phối hợp thêm ezetimibe uống 10 mg/ngày.
Một số trường hợp đặc biệt:
– Người có bệnh tim mạch do XVĐM bị một biến cố mạch máu thứ 2 trong vòng 2 năm (không nhất thiết là cùng loại với biến cố mạch máu đầu) dù đang được điều trị bằng statin: tăng liều statin và phối hợp ezetimibe, cố gắng hạ LDL-C xuống mức < 40 mg/dl.
– Bệnh nhân được can thiệp mạch vành qua da: Dùng liều nạp 80 mg atorvastatin trước can thiệp bất kể bệnh nhân có đang dùng statin trước đó hay không. Duy trì atorvastatin liều cao trong thời gian nằm viện.
Bảng 4: Hoạt lực của liệu pháp statin
HOẠT LỰC CAO
(hạ LDL-C ≥ 50%) |
HOẠT LỰC TRUNG BÌNH
(hạ LDL-C 30-49%) |
HOẠT LỰC THẤP
(hạ LDL-C < 30%) |
Atorvastatin 40-80 mg/ngày
Rosuvastatin 20 mg/ngày |
Atorvastatin 10-20 mg/ngày
Rosuvastatin 5-10 mg/ngày Simvastatin 20-40 mg/ngày Pitavastatin 1-4 mg/ngày Pravastatin 40-80 mg/ngày Lovastatin 40-80 mg/ngày |
Simvastatin 10 mg/ngày
Pravastatin 10-20 mg/ngày Lovastatin 20 mg/ngày |
- KIỂM SOÁT LIPID MÁU TRONG PHÒNG NGỪA TIÊN PHÁT
Trong phòng ngừa tiên phát bệnh tim mạch do XVĐM, LDL-C cũng được xem là mục tiêu điều trị hàng đầu. Trên bảng 5 là ngưỡng LDL-C (chưa điều trị) cần khởi trị và đích LDL-C cần đạt khi điều trị tùy theo mức nguy cơ tim mạch của người bệnh. Hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống và dùng statin để đạt đích LDL-C. Kiểm tra hiệu quả của điều trị bằng cách xét nghiệm lại lipid máu 4-12 tuần sau khi bắt đầu statin (hoặc thay đổi liều statin) và định kỳ sau đó mỗi 3-12 tháng. Ở những bệnh nhân nguy cơ cao-rất cao, nếu không đạt đích LDL-C dù đã dùng statin hoạt lực cao (hoặc liều statin tối đa mà bệnh nhân dung nạp được), phối hợp thêm ezetimibe uống 10 mg/ngày.
Một số trường hợp đặc biệt:
– Trẻ em được chẩn đoán tăng cholesterol máu gia đình: Thay đổi lối sống và dùng statin.
– Người > 75 tuổi: Nếu đang dùng statin thì tiếp tục dùng. Nếu chưa dùng thì có thể xem xét khởi trị bằng statin nếu bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao/rất cao. Nếu bệnh nhân có rối loạn chức năng thận hoặc nguy cơ tương tác thuốc, bắt đầu statin với liều thấp và tăng liều dần để đạt đích LDL-C.
– Người bệnh thận mạn nặng cần lọc máu định kỳ: Nếu đang dùng statin thì tiếp tục dùng. Nếu chưa dùng thì không khởi trị bằng statin (không mang lại lợi ích).
– Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ: Nếu đang dùng statin thì phải có biện pháp tránh thai hữu hiệu. Nếu muốn có thai thì ngưng statin 1-2 tháng trước ngày dự định có thai. Nếu có thai trong khi đang dùng statin thì ngưng statin càng sớm càng tốt.
Bảng 5: Ngưỡng LDL-C cần khởi trị và đích LDL-C cần đạt tùy theo mức nguy cơ
NGUY CƠ | NGƯỠNG LDL-C (CHƯA ĐIỀU TRỊ) CẦN KHỞI TRỊ | ĐÍCH LDL-C CẦN ĐẠT KHI ĐIỀU TRỊ |
Rất cao | – LDL-C 55-69 mg/dl: Thay đổi lối sống. Nếu không đạt đích LDL-C ® dùng thuốc.
– LDL-C ≥ 70 mg/dl: Dùng thuốc ngay đồng thời với thay đổi lối sống. |
Hạ LDL-C ≥ 50% so với ban đầu và đạt LDL-C < 55 mg/dl |
Cao | – LDL-C 70-99 mg/dl: Thay đổi lối sống. Nếu không đạt đích LDL-C ® dùng thuốc.
– LDL-C ≥ 100 mg/dl: Dùng thuốc ngay đồng thời với thay đổi lối sống. |
Hạ LDL-C ≥ 50% so với ban đầu và đạt LDL-C < 70 mg/dl |
Trung bình | LDL-C ≥ 100 mg/dl: Thay đổi lối sống. Nếu không đạt đích LDL-C ® dùng thuốc. | Đạt LDL-C < 100 mg/dl |
Thấp | LDL-C ≥ 116 mg/dl: Thay đổi lối sống. Nếu không đạt đích LDL-C ® cân nhắc việc dùng thuốc. | Có thể xem xét đạt đích LDL-C < 116 mg/dl |
XỬ TRÍ TĂNG TRIGLYCERIDE (TG)
– Tăng TG, đặc biệt là khi kết hợp với HDL-C thấp, cũng là một yếu tố nguy cơ tim mạch, tuy không mạnh bằng tăng LDL-C. Tăng TG nặng ≥ 500 mg/dl (5,6 mmol/l) có liên quan với tăng nguy cơ viêm tụy cấp.
– Xử trí tăng TG vừa (175-499 mg/dl hay 1,9-5,6 mmol/l) ở người trưởng thành ≥ 20 tuổi: Kiểm soát các yếu tố lối sống (giảm cân nặng, ngưng rượu bia, chế độ ăn ít chất béo và ít carbohydrate tinh luyện), các tác nhân thứ phát (ĐTĐ, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn và/hoặc hội chứng thận hư, suy giáp) và xem xét ngưng/giảm liều các thuốc gây tăng TG (estrogen, corticosteroid, tamoxifen, ciclosporin, thuốc kháng siêu vi ức chế protease, thuốc chẹn bêta không chọn lọc, lợi tiểu thiazide liều cao, phenothiazine). Ở bệnh nhân ĐTĐ, kiểm soát tốt đường huyết giúp giảm TG.
– Xử trí tăng TG vừa đến nặng ở người 40-75 tuổi có nguy cơ tim mạch cao-rất cao: Tác động lên các nguyên nhân có thể đảo ngược của TG, đồng thời khởi trị bằng statin hoặc tăng liều statin. Nếu TG ≥ 500 mg/dl dù đã dùng statin hoạt lực cao (hoặc liều statin tối đa mà bệnh nhân dung nạp được): phối hợp fenofibrate. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có TG 200-400 mg/dl kèm HDL-C < 35 mg/dl dù đã dùng statin liều tối ưu: xem xét phối hợp fenofibrate.
Theo timmachhoc.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389