Trước đây khi điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, nhiều thầy thuốc thường bắt đầu bằng một thuốc và tăng liều từ thấp lên đến tối đa nếu vẫn chưa kiểm soát được huyết áp. Bất lợi của cách tiếp cận này là làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Năm 2003 Law và cộng sự thực hiện một phân tích gộp số liệu của 354 thử nghiệm lâm sàng điều trị tăng huyết áp bằng lợi tiểu thiazide, chẹn bêta, ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin và chẹn canxi. Mục tiêu của phân tích gộp là đánh giá hiệu quả hạ huyết áp tâm thu và nguy cơ tác dụng phụ của các liều dùng khác nhau (nửa liều chuẩn, liều chuẩn, liều gấp đôi, gấp 4 và gấp 8 liều chuẩn). Kết quả phân tích gộp cho thấy khi mỗi khi tăng liều thuốc lên gấp đôi, tác dụng hạ huyết áp tâm thu tăng lên không nhiều (khoảng 20%), nhưng tần suất tác dụng phụ tăng lên rất đáng kể, đặc biệt với các nhóm thuốc lợi tiểu thiazide, chẹn bêta và chẹn canxi.
Thay vì tăng liều thuốc ban đầu, một số bác sĩ lại chọn cách tiếp cận là chuyển sang một thuốc khác nhóm, và nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc thứ hai này thì lại chuyển sang một thuốc thứ ba, rồi thứ tư v.v... Cách tiếp cận này được gọi là đơn trị liệu nối tiếp (sequential monotherapy). Bất lợi của đơn trị liệu nối tiếp là mất nhiều thời gian và dễ tạo tâm lý không tin tưởng của người bệnh đối với thầy thuốc. Nói chung, đơn trị chỉ kiểm soát được huyết áp trong không quá 60% các trường hợp, chủ yếu là ở những bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 (huyết áp ≤ 160/100 mm Hg). Trong các thử nghiệm lâm sàng điều trị tăng huyết áp, để đạt mục tiêu huyết áp được đề ra ban đầu, các nhà nghiên cứu thường phải phối hợp nhiều thuốc.
Ưu điểm của phối hợp thuốc sớm trong điều trị tăng huyết áp đã được chứng minh một cách thuyết phục bởi nghiên cứu của Wald và cộng sự. Các tác giả này gộp số liệu của 42 thử nghiệm lâm sàng điều trị tăng huyết áp với lợi tiểu thiazide, chẹn bêta, chẹn canxi và ức chế men chuyển (10.968 bệnh nhân tham gia) nhằm so sánh hiệu quả hạ huyết áp tâm thu của việc tăng liều thuốc từ liều chuẩn lên gấp đôi liều chuẩn với việc phối hợp thêm một thuốc khác nhóm. Kết quả phân tích gộp cho thấy khi phối hợp thêm một thuốc khác nhóm (cả thuốc đầu lẫn thuốc phối hợp thêm đều dùng với liều chuẩn), mức hạ huyết áp tâm thu đạt được nhiều hơn gấp 5 lần so với khi tăng liều thuốc ban đầu lên gấp đôi liều chuẩn, bất kể thuốc ban đầu và thuốc phối hợp thêm thuộc nhóm nào 3. Kết quả của phân tích gộp này được biểu diễn trên hình .
Thật ra việc phối hợp thuốc sớm trong điều trị tăng huyết áp không phải mới được áp dụng gần đây. Từ giữa thập niên 1990 việc khởi trị bằng phối hợp 2 thuốc cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (do có huyết áp khởi điểm cao hoặc có bệnh tim mạch hay nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch kèm theo) đã được 2 tác giả Epstein và Bakris đề nghị. Đến nay cách tiếp cận này đã được công nhận rộng rãi. Trong hướng dẫn cập nhật 2009 về điều trị tăng huyết áp của Hội Tăng huyết áp Châu Âu có nêu rõ là phối hợp 2 thuốc ngay từ đầu rất có lợi đối với những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao vì những người này cần được kiểm soát huyết áp sớm.
Mức hạ huyết áp tâm thu khi phối hợp thêm một thuốc khác nhóm (cột màu trắng) và khi tăng liều thuốc ban đầu từ liều chuẩn lên gấp đôi liều chuẩn (cột màu đen). Các thuốc ban đầu gồm lợi tiểu thiazide (Thiazide), chẹn bêta (Beta blocker), ức chế men chuyển (ACE Inhibitor), chẹn canxi (Calcium channel blocker) và tất cả các nhóm thuốc gộp chung (All Classes) (theo Wald và cộng sự ).
PK ĐỨC TÍN
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389